Bão số 1 cường độ mạnh đổ bộ gây nhiều thiệt hại

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, các bộ, ngành, đến 6 giờ 18/7, bão số 1 đã làm 11 người mất tích, trong đó Quảng Ngãi có 6 người.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, 19 gìơ ngày 17/7, bão số 1 (Côn Sơn) mạnh cấp 10 đã đổ vào Hải Phòng-Thái Bình, gây thiệt hại nặng nề.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương và các bộ, ngành, đến 6 giờ sáng 18/7, bão số 1 đã làm 11 người mất tích, trong đó Quảng Ngãi có sáu người, Quảng Ninh có năm người.

Ngoài ra, tại Hải Phòng bão số 1 đã làm ba người bị thương (một người bị thương do cây đổ), 97 nhà bị tốc mái. 14 người trên bốn tàu bị đắm (ba tàu du lịch và một tàu đánh cá) đã được cứu sống.

Huyện Cát Hải (Hải Phòng) đang phải hứng chịu tàn phá của cơn bão số 1 khi tuyến đê khá yếu ở khu vực Hải Lộc, Tiến Lộc thuộc thị trấn Cát Hải liên tiếp bị sóng lớn đánh vào. Hơn nữa cộng thêm việc triều cường lớn nên hiện nay, nước biển đã tràn qua mặt các tuyến đê này từng đợt ập vào các hộ dân khiến tuyến đê này phải đối diện với nguy cơ bị nứt và vỡ.

Vào khoảng 22 giờ ngày 17/7, ba chiếc tàu biển trọng tải lớn đang neo đậu ở các đà đóng mới, sửa chữa tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng (Hải Phòng) bỗng dưng bị “xổng đà” trôi và va đập mạnh vào cầu Bính nằm cách đó chừng vài trăm mét. Hậu quả làm cho cầu Bính (công trình trọng điểm quốc gia, bắc qua sông Cấm) bị hư hỏng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, mọi hoạt động giao thông qua lại giữa các quận nội thành với huyện Thủy Nguyên đều phải tạm dừng nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Tại Thái Bình, bão số 1 gây mưa to đến rất to với lượng mưa tới 200-220mm. Đêm 17/7, mưa to kèm sóng lớn đang đe dọa nghiêm trọng tại hai đoạn đê biển xung yếu thuộc xã Thái Đô, đoạn ở vị trí K30 có chiều dài khoảng 2km và đoạn ở dọc trước Đồn Biên phòng 68 (xã Thái Đô, huyện Thái Thụy) đang thi công dở dang có nguy cơ bị sạt lở. Mưa to kèm theo gió giật mạnh cấp 8, cấp 9 cũng làm nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy cành và các tuyến đường ở thành phố Thái Bình bị ngập nước.

Đến 23 giờ ngày 17/7, bão số 1 đã gây thiệt hại ban đầu về tài sản tại một số địa phương của tỉnh Quảng Ninh. Nhiều địa phương đã bị mất điện, gây khó khăn trong sinh hoạt của nhân dân cũng như hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.

Tại thành phố Hạ Long, gió bão đã quật đổ nhiều cây ven đường; Nhà hàng nổi Đại Dương - điểm ẩm thực nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước tại phường Hồng Hải bị đứt neo, khoảng 20 người trên đó đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng đưa vào bờ an toàn. Gần 40 người vẫn còn ở trên một số tàu, bè đang neo đậu tránh bão tại khu Cảng Mới và ven bờ vịnh Hạ Long đã được lực lượng cứu hộ đưa lên bờ.

Một cháu bé chưa xác định được danh tính ở phường Yết Kiêu bị chết đuối do lật mảng. Sóng bão đã nhấn chìm một số tàu, thuyền cỡ nhỏ của ngư dân và nhiều nhà dân bị tốc mái.

Tại cầu Bãi Cháy (thành phố Hạ Long), đã có rất nhiều trường hợp đi xe máy qua cầu bị gió thổi ngã rất nguy hiểm.

Sáng 17/7, tại bãi biển xã Hải Hòa (Tĩnh Gia, Thanh Hóa), chị Nga, 18 tuổi ở Hà Nội đi tắm biển và bị sóng lớn làm lật phao, cuốn trôi. Tại bãi biển Sầm Sơn chiều cùng ngày, hai du khách cũng bị cuốn trôi khi tắm biển. Đến 20 giờ, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy ba người này.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, dự báo bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Đến 7 giờ ngày 18/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp nằm trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh còn có gió mạnh đến cấp 10, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 3-5m. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ có mưa lớn. Lũ quét, sạt lở đất có khả năng diễn ra tại nhiều khu vực.

Tại cuộc họp sáng 18/7 ở tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương chỉ đạo các địa phương tiếp tục công tác tìm kiếm cứu nạn sáu ngư dân và các tàu bị nạn của tỉnh Quảng Ngãi tại khu vực đảo Hoàng Sa. Các lực lượng cứu hộ tiếp tục tiến hành trục vớt các tàu bị chìm, trôi.

Các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh khắc phục nhanh chóng các sự cố và thiệt hại về điện, viễn thông, thu dọn cây xanh gãy đổ, giải tỏa giao thông. Các tỉnh miền núi và trung du phía Bắc tiếp tục theo dõi diễn biến của tình hình mưa để có biện pháp đối phó kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục