Bão số 11 sẽ còn mạnh lên, ngập lụt vẫn tiếp tục ở Ninh Bình, Hòa Bình

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt ở Thanh Hóa và Nghệ An đang giảm dần, mực nước trên các sông đang xuống.
Bão số 11 sẽ còn mạnh lên, ngập lụt vẫn tiếp tục ở Ninh Bình, Hòa Bình ảnh 1Các lực lượng dùng bè mảng giúp người dân di chuyển qua khu vực nước ngập trên tuyến Quốc lộ 6. (Ảnh: Vũ Hà/TTXVN)

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết​ hồi 7 giờ, ngày 14/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 118 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và còn mạnh lên. Đến 7 giờ, ngày 15/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 114 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-9, sau tăng lên cấp 10-12, giật cấp 15. Biển động dữ dội. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) phía Bắc từ vĩ tuyến 14,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 7 giờ, ngày 16/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 109 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

[Mưa lũ ở các tỉnh phía bắc làm 96 người chết và mất tích]

Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km.

Do ảnh hưởng của rìa phía Tây Nam hoàn lưu bão số 11, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau​-Kiên Giang có mưa rào và dông, trong cơn dông khả năng có gió giật cấp 7-8.

Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, tình trạng ngập lụt ở Thanh Hóa và Nghệ An đang giảm dần, mực nước trên các sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) lúc 7 giờ, ngày 14/10 đang xuống, tại Kim Tân 12,13m, trên báo động 3 là 0,13m; sông Cả tại Nam Đàn là 6,31m, dưới báo động 2 là 0,59m.

Dự báo trong 12 giờ tới, lũ trên sông Bưởi, sông Cả tiếp tục xuống. Mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân xuống mức 11,40m, trên báo động 2 là 0,4m; sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 6,0m, dưới báo động 2 là 0,9m.

Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn xuống mức 5,7m, trên báo động 1 là 0,3m.

Đề phòng nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Thạch Thành, Quan Hóa, Bá Thước, Cẩm Thủy, Yên Định, Thọ Xuân (Thanh Hoá); huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Anh Sơn, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên (Nghệ An)

Mặc dù lũ trên sông Hoàng Long đang xuống, nhưng ngập lụt vẫn tiếp tục diễn ra ở Ninh Bình. Lúc 9 giờ, ngày 14/10, lũ trên sông Hoàng Long đang xuống chậm, mực nước tại Bến Đế 4,11m trên báo động 3 là 0,11 m

Dự báo trong 12 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức 3,80m, dưới báo động 3 là 0,2 m.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống mức là 3,50m báo động 2. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2.

Sau nhiều ngày xảy ra mưa lớn (từ ngày 9-13/10) với lượng mưa trên 400mm, nước ở nhiều nơi đổ dồn về hồ Tòng Đậu, huyện Mai Châu (Hòa Bình), khiến nước dâng lên gần 2m trong suốt chiều dài 200m, dẫn đến việc lưu thông qua tuyến Quốc lộ 6 bị chia cắt (đoạn từ Hòa Bình lên Mộc Châu, Sơn La), giao thông chỉ có thể thực hiện được bằng thuyền và bè mảng.

Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình, các phương tiện hai đầu tuyến sẽ phải chờ đợi khoảng 2 ngày nữa khi nước thoát theo hệ thống hang cát tơ (mạch ngầm) thì hoạt động đi lại, vận chuyển trên tuyến đường huyết mạch mới trở lại bình thường.

Để xử lý khắc phục sự cố ách tắc giao thông nghiêm trọng này, tỉnh Hòa Bình đã huy động lực lượng khoảng 100 người đóng bè mảng để đưa bà con từ 2 đầu Sơn La về Hòa Bình và ngược lại.

​Trong hai ngày (12​-13/10), các lực lượng đã chuyển được khoảng gần 4.000 người qua khu ngập nước.

Tuy nhiên, số lượng xe ôtô tải xếp hàng chờ đi hướng Hòa Bình-Sơn La tại phía huyện Tân Lạc kéo dài gần 5km. Do đó, lực lượng chức năng của tỉnh phải thực hiện phân luồng giao thông cho các phương tiện qua địa phận huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) sang đường Quốc lộ 37 đi Sơn La.

Đồng thời, tập trung huy động máy móc, thiết bị hót sụt các vị trí sạt lở, khắc phục hậu quả trên tuyến ĐT 450 (Ba Khan​-Phúc Sạn​-Đồng Bảng, huyện Mai Châu).

Đến 17 giờ chiều ngày 13/10, tuyến ĐT 450 tạm thời thông tuyến cho các phương tiện trọng tải dưới 2,5 tấn và xe nhỏ (7​-16 chỗ).

Để tránh tắc trên tuyến Quốc lộ 6, lực lượng chức năng đã phải chuyển hướng các xe nhỏ di chuyển theo hướng từ địa phận Phú Cường, huyện Tân Lạc sang Ba Khan-Phúc Sạn và chạy thẳng lên Đồng Bảng, huyện Mai Châu để đi Mộc Châu, Sơn La.

Tuy nhiên đến sáng 14/10, tại KM 22,23 ĐT 450 bị sạt taluy âm nên tất cả các xe đều phải dừng lưu thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục