Bão số 9 khiến nhiều nơi ở Khánh Hòa bị sạt lở, ngập lụt, cô lập

Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 25/11 tại tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, nhiều địa phương bị ngập nặng, đồi núi sạt lở, địa bàn và giao thông bị chia cắt.
Bão số 9 khiến nhiều nơi ở Khánh Hòa bị sạt lở, ngập lụt, cô lập ảnh 1Mưa lớn gây ngập lụt, nước tràn qua các tuyến đường, đập tràn tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa trong sáng 25/11. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Do ảnh hưởng của bão số 9, ngày 25/11 tại tỉnh Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, nhiều địa phương bị ngập nặng, đồi núi sạt lở, địa bàn và giao thông bị chia cắt.

Ở khu vực phía Nam tỉnh Khánh Hòa, khoảng từ 14 giờ ngày 24/11 đến 2 giờ ngày 25/11 đã có lượng mưa lên tới 272,4mm, gần bằng lượng mưa ở Nha Trang các đây ít ngày. Cụ thể, tại Cam Ranh, trạm đo mưa ở Ba Ngòi đo được 183,8 mm, Cam Phước Tây: 178,4mm. Tại Khánh Sơn, trạm đo Tô Hạp đo được 124,8mm, Sơn Hiệp 103,4mm...

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết, do mưa lớn nên các các trục đường chính như Quốc lộ 1 (đoạn qua thành phố Cam Ranh), đại lộ Nguyễn Tất Thành (nối sân bay Cam Ranh và thành phố Nha Trang), Quốc lộ 27C (đường từ Nha Trang đi Đà Lạt), Tỉnh lộ 9 đi huyện miền núi Khánh Sơn và một số đoạn đường sắt … bị ngập sâu, đất đá từ núi đổ về gây sạt lở nặng, giao thông bị tắc nghẽn.

[Thông tin mới nhất về cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền]

Theo thống kê sơ bộ, Quốc lộ 1C ngập cục bộ sâu 15cm, Quốc lộ 27B bị sạt lở vách núi, Tỉnh lộ 9 bị sạt lở vách núi, các cầu tràn bị ngập sâu, đại lộ Nguyễn Tất Thành bị sạt lở vách núi, nước ngập sâu tới 80 cm. Tỉnh lộ 8B (cầu Thác Ngựa) ngập sâu 80cm…

Ông Tạ Thanh Tình, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đường bộ III.3 cho biết, 2 tuyến Quốc lộ 27C (đường Nha Trang-Đà Lạt) và Quốc lộ 26 đi Đắk Lắk bị sạt lở nghiêm trọng khiến giao thông khó khăn. Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 10 điểm bị sạt lở với khối lượng đất đá lên đến 18.000 khối, trên tuyến Nha Trang-Đà Lạt. Trong khi đó, do ảnh hưởng của bão số 8 trước đó, tuyến đường Nha Trang đi sân bay Cam Ranh đã bị hư hỏng nặng, đang trong quá trình sửa chữa khắc phục hậu quả thì nay lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại hiện trường, thời điểm 12 giờ ngày 25/11, tuyến đường Nha Trang đi Cam Ranh đoạn qua đèo Cù Hin đã được dọn dẹp đất đá đổ nát và thông tuyến. Còn tại ga Nha Trang, do mưa lớn khiến tuyến đường sắt tại Khánh Hòa cũng bị ảnh hưởng, khiến 7 đoàn tàu với 2.500 hành khách mắc kẹt .

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên TTXVN, ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện miền núi Khánh Sơn cho biết, hiện đoạn đèo lên Khánh Sơn đã bị sạt lở, làm cô lập huyện này với các địa phương khác trong tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, mưa lớn làm mực nước trên các sông, suối của huyện dâng cao nhanh gây ngập các cầu tràn, nhiều khu dân cư bị cô lập. Cụ thể, tuyến tỉnh lộ 9 đoạn qua thị trấn Tô Hạp, xã Sơn Lâm bị ngập sâu, cô lập 4 xã Sơn Lâm, Sơn Bình, Thành Sơn, Ba Cụm Nam với vùng trung tâm.

“Huyện Khánh Sơn tiếp tục có mưa lớn, nước trên các sông, suối vẫn dâng cao gây chia cắt cục bộ nhiều điểm trên toàn huyện. Nếu mưa lớn vẫn tiếp diễn cho đến hết ngày 25/11 có thể huyện sẽ cho học sinh nghỉ học vào ngày 26/11,” ông Nhuận chia sẻ thêm.

Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết, sạt lở trên đèo Khánh Lê tuyến Quốc lộ 27C Nha Trang đi Đà Lạt trong sáng 25/11 đã được khắc phục xong. Ở các điểm xung yếu, huyện cũng thực hiện trực ban, chốt chặn không cho người dân qua lại, nhằm đảm bảo cao nhất an toàn về người và tài sản.

Tính đến chiều 25/11, sông Cái tại Nha Trang đã trên mức báo động 2, các sông còn lại trên và ngang báo động 1. Dự báo nước trên các sông sẽ còn lên nhanh. Cùng ngày, do mưa lớn, các hồ chứa tại Khánh Hòa đã xả lũ. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa đã phát đi thông báo cảnh báo, tiếp tục rà soát khẩn cấp các khu vực xung yếu nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất gây ảnh hưởng đến người dân trên địa bàn tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục