“Bảo tàng” hơn 1.000 cổ vật quý hiếm của thầy giáo Phương

Thầy giáo Võ Thanh Phương, trú tại thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, đã sở hữu “bảo tàng” nhỏ chứa hơn 1.000 cổ vật các loại, trong đó có nhiều loại thuộc hàng quý hiếm.
“Bảo tàng” hơn 1.000 cổ vật quý hiếm của thầy giáo Phương ảnh 1Thầy giáo Võ Thanh Phương với những cổ vật sưu tầm được. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Sau hơn 35 năm dày công sưu tập từ Bắc chí Nam, thầy giáo tự do Võ Thanh Phương (sinh năm 1961), trú thôn An Hội Bắc, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, đã sở hữu “bảo tàng” nhỏ chứa hơn 1.000 cổ vật các loại, trong đó có nhiều loại thuộc hàng quý hiếm.

Căn nhà của thầy giáo Phương ọp ẹp, chẳng có gì giá trị ngoài những món cổ vật bày biện khắp nơi trong phòng khách.

Là một người dạy đàn, nhạc lý tự do cho các trường học trong tỉnh, với niềm đam mê đặc biệt dành cho cổ vật, năm 1985, thầy Phương bắt đầu với nghề sưu tầm nó.

Thầy Phương phải chắt chiu từng đồng tiền kiếm được từ việc dạy học, thậm chí nhịn ăn nhịn mặc để mua cổ vật.

Ban đầu, thầy Phương chỉ sưu tầm những món hàng đơn giản như tiền đồng xu thời xưa, tiền giấy của các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Lào, Trung Quốc), đến tiền đôla qua các thời tổng thống Mỹ.

Để có được chúng, thầy Phương phải ngược xuôi khắp dải đất hình chữ S để mua lại của người dân hoặc thông qua mạng xã hội Facebook kết nối với bạn bè trong nhóm chơi đồ cổ trao đổi, mua lại.

Thầy Phương tâm sự, "những ngày đầu, do thiếu hiểu biết nên mua nhầm nhiều cổ vật giả mạo. Nhưng không vì thế mà tôi dừng lại cái thú vui tao nhã ấy. Phải mất hơn 10 năm ròng rã, tôi mới có được kinh nghiệm phân biệt giữa cổ vật giả và thật."

Trong 1.000 cổ vật thầy đang sở hữu, gốm Việt chỉ chiếm 1/4 số đó. Nguyên nhân là do chiến tranh, loạn lạc làm thất thoát, hư hại và một phần là nạn “chảy máu” cổ vật ra nước ngoài.

Nhiều vật dụng có niên đại lên tới hàng nghìn năm, có giá trị lịch sử, văn hóa vô giá. Chẳng hạn như đĩa gốm màu đời Đường có tuổi thọ 1.000 năm; mảnh Trống Đồng có hoa văn chim bay ngược, tuổi thọ 4.000 năm; ché đời Minh Thanh, đĩa trà cổ, mâm đồng, đồ pháp lam; chén Tống, ấm Tử Sa đời Minh; hoặc thấp hơn là gốm Lái Thiêu có tuổi thọ 30-40 năm; tô Chu Đậu đời Lê 500 năm…

“Bảo tàng” hơn 1.000 cổ vật quý hiếm của thầy giáo Phương ảnh 2Những cổ vật quý được thầy giáo Võ Thanh Phương sưu tầm, lưu giữ, bảo quản. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

“Cổ vật của đời Lê thường có màu trắng hoặc xanh; cổ vật của đời Lý có màu xanh nâu; cổ vật của đời Trần có màu vàng,” thầy Phương cho biết.

Ông lý giải, cổ vật nằm rải rác trong dân gian là vì khi các hoàng tử, công chúa được dựng vợ gả chồng, ​vua sẽ ban cho những vật dụng giá trị làm của hồi môn (ban 2 ché), hay những quan lại về hưu sẽ được ​vua ban cho một gánh đồ cổ. Do đó, cổ vật cũng xê dịch theo chủ nhân của nó.

Cổ vật có chỗ đứng vô cùng quan trọng trong con người ông. Nhưng không vì thế mà ông giữ nó cho riêng mình thưởng lãm. Những ai thật sự có tâm, “sống chết” với cổ vật, thầy Phương sẽ vui vẻ san lại ngay với tâm niệm góp phần phát triển thú chơi.

Minh chứng thuyết phục nhất là bộ sưu tập cổ vật của ông hiện tại đã giảm còn 500 món. Tuy nhiên, chỉ có một thứ trong số đó ông sẽ “khư khư” giữ lấy, đó là Ché đồng tiền thời Khang Hy có in hình lông công, thuộc hàng cực kỳ hiếm. Thầy Phương đã dành hết tình cảm của mình cho nó, đến độ ban ngày đem ra ngắm nghía, ban đêm lại ôm vào giường ngủ cùng.

Mỗi khi ngắm nó, ông phấn chấn hẳn lên, quên hẳn đi những lo toan đời thường. Ông cho biết sẽ giữ nó đến cuối đời và truyền lại cho con cháu.

Những cổ vật của ông được trưng bày ở nhiều bảo tàng trong cả nước, làm phong phú thêm kho tàng cổ vật của Việt Nam.

Đóng góp của ông đã được giới chuyên môn đầu ngành trong và ngoài tỉnh ghi nhận, đánh giá cao; được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Di sản văn hóa tỉnh Quảng Ngãi tặng Bằng khen để khích lệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục