Bảo tàng vì hòa bình

Bảo tàng về các chứng tích chiến tranh Việt Nam

Với hơn 15.000 hiện vật, hình ảnh, phim tư liệu, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam là một trong những địa chỉ du lịch ở TP.HCM.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam được đưa vào hệ thống hơn 60 “Bảo tàng vì hòa bình” của Tổ chức UNESCO.

Thành lập từ tháng 9/1975, đến nay, bảo tàng đã thu hút hơn 10 triệu lượt khách tham quan. Riêng năm 2009 là 567.000 lượt người, 70% trong số đó là khách nước ngoài và nhiều nhất vẫn là du khách Mỹ.

Với hơn 15.000 hiện vật, hình ảnh cùng hàng nghìn thước phim tư liệu về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bảo tàng là một trong những địa chỉ du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh luôn có lượng khách đến tham quan đông nhất. Đây cũng là nơi được bầu chọn “10 điểm tham quan tiêu biểu” trong chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh-100 điều thú vị."

Ngay từ cổng vào là khu trưng bày ngoài trời “Các loại vũ khí, phương tiện Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam." Những chiếc máy bay phản lực chiến đấu hiện đại nhất thời đó như Air Force, máy bay trinh sát chiến đấu tự động chụp ảnh, máy bay lên thẳng đổ bộ quân có khả năng đậu trên mặt nước, pháo tự hành M107-175mm từng được mệnh danh là “Vua chiến trường” có tầm bắn tới 32,7km, tàn phá mục tiêu trong bán kính 520m, sức công phá ở độ sâu 35m, rộng 95m.…

Du khách không khỏi rùng mình với các loại bom mìn giết người, trong đó có xác một quả bom địa chấn (phát quang BLU-82B) cao 3,35m, đường kính 1,37m, chứa đến 5,7 tấn thuốc nổ, sức công phá trong phạm vi 100m và gây chấn động mạnh trong khu vực có đường kính 3,2km.

Tại khu vực trưng bày tội ác chiến tranh, những bức ảnh đen trắng đã ngả màu do các phóng viên chiến trường hai bên chiến tuyến chụp đã làm nhiều du khách ngậm ngùi. Một em nhỏ độ một tuổi ngồi ngơ ngác đơn côi trên vùng đất trống sau lưng toán lính Mỹ; cảnh lính Mỹ tra tấn dã man tù binh “Việt Cộng;" cảnh bà mẹ đau khổ dìu 4 đứa con bơi qua sông chạy càn...

Du khách đã thực sự xúc động khi bước vào phòng trưng bày có tên “Hồi niệm." Nơi đây lưu giữ những bức ảnh của 134 phóng viên chiến trường thuộc 11 quốc tịch đã chụp trong chiến tranh Việt Nam và tất cả đều đã hy sinh tại chiến trường Việt Nam và Đông Dương. Những bức ảnh đã phơi bày sự thật về mức độ tàn bạo nhất của cuộc chiến. Đây là quà tặng của nhân dân bang Kentucky, Mỹ gửi đến nhân dân Việt Nam.

Khu vực tái hiện “Chuồng cọp Côn Đảo” cũng làm du khách rùng mình về cách mà những chiến sĩ cách mạng kiên trung nhất phải chịu đựng trong chế độ lao tù của giặc. Việc sưu tầm hiện vật cho bảo tàng cũng một công việc không kém phần quan trọng của các cán bộ bảo tàng.

Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng cho biết: “Sưu tầm hiện vật vật thể và phi vật thể là những công việc khó khăn nhất khi chiến tranh qua đi đã lâu. Mỗi hiện vật đều gắn với một câu chuyện đau thương xúc động."

Nếu không được thuyết minh, du khách dễ dàng bỏ qua hiện vật là một cái ống cống to nặng trưng bày ở góc sân. Nhưng đó chính là ống cống mà ba em nhỏ trong một gia đình đã trốn vào đó trong vụ lính Mỹ thảm sát 21 người dân vô tội ở Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre năm 1969. Ba em nhỏ đã bị lính Mỹ lôi ra giết dã man. Trên thành ống cống vẫn còn vết máu do bàn tay nhỏ xíu của một em nhỏ bám vào. Chỉ huy vụ đó là Bob Kerry, sau này là Thượng nghị sĩ Mỹ, bị báo chí Mỹ lên án rất nhiều.

Bà Phạm Thị Lãnh (con ông Bùi Văn Vát, gia đình có năm người bị giết trong vụ đó) đã lưu giữ ống cống này. Cán bộ bảo tàng nhiều lần đến gặp để thương lượng mang ống cống về, nhưng bà Lãnh đều không chấp nhận. Mãi đến năm 2009, nhân ngày giỗ 40 năm sau vụ thảm sát, cán bộ bảo tàng về Bến Tre thắp hương, bà Lãnh mới mềm lòng chấp nhận cho mang ống cống về, chỉ nhận lại một bàn thờ. Nghe câu chuyện xúc động đó, rất nhiều du khách đã khóc.

Tại bảo tàng có một phòng tranh thiếu nhi mang tên “Chiến tranh và hòa bình." Hàng năm, bảo tàng tổ chức cho các em thiếu nhi vẽ tranh với nhiều chủ đề tình yêu quê hương, đất nước, ông bà, cha mẹ... Những bức tranh đẹp nhất được lưu giữ nơi đây. Ước mơ của các em rất đơn giản đó là được sống trong đất nước hòa bình, được đi học và làm những điều mình yêu thích.

Bước ra từ bảo tàng này không một du khách nào không nghẹn ngào mong ước về một nền hòa bình vĩnh cửu trên khắp thế giới./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục