Bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số tại Sơn La

Bảo tàng Sơn La và Viện Khảo cổ học đã phát hiện và trục vớt, khai quật 27 di chỉ khảo cổ với hơn 6.000 hiện vật thời kỳ tiền-sơ sử.
Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện có 47 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được các cấp công nhận xếp hạng, trong đó có 12 di tích xếp hạng cấp quốc gia.

Những di sản văn hóa này được các ngành chức năng chú trọng bảo tồn, góp phần phục vụ nhu cầu khách tham quan du lịch, các nhà nghiên cứu trong và ngoài tỉnh.

Khách du lịch đến Sơn La chủ yếu khám phá các hang động như: Thắng cảnh hang Dơi, hệ thống hang động Bản Ôn (huyện Mộc Châu), hang Chi Đẩy (huyện Yên Châu), hang Nhả Nhung, hang Ta Búng. Ngoài ra, khách du lịch còn quan tâm đến khu di tích lịch sử Văn bia Quế lâm Ngự chế và di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La).

Bà Vũ Thùy Linh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sơn La, cho biết: Tại kho Bảo tàng Sơn La có bộ sưu tập chữ Thái cổ, chữ Dao cổ với hơn 1.000 cuốn thuộc các thể loại: sử thi, trường ca, truyện thơ dân gian, sưu tập bộ trống đồng và đồ đồng cổ có giá trị phục vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó còn sưu tầm được 21.000 tư liệu, hiện vật thuộc các bộ sưu tập hiện vật khảo cổ học, dân tộc học, hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Bảo tàng tỉnh còn phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành điền dã phát hiện và tổ chức trục vớt, khai quật 27 di chỉ khảo cổ với hơn 6.000 hiện vật thời kỳ tiền-sơ sử tại nhiều địa phương nhằm bảo vệ các di sản văn hóa vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, thực hiện dự án sưu tầm trên 800 hiện vật dân tộc học của các dân tộc thiểu số di chuyển khỏi vùng ngập hồ và khu vực Nhà máy thuỷ điện Sơn La. Toàn bộ số hiện vật này đang được lưu giữ trong kho di sản văn hóa vùng lòng hồ thuỷ điện Sơn La tại huyện Mường La.

Theo bà Vũ Thùy Linh, do chưa có bảo tàng tổng hợp của tỉnh, nên các bộ sưu tập hiện vật có được đang phải lưu giữ trong kho, chưa được trưng bày. Các di tích đã được xếp hạng, nhưng phần lớn chưa có bản đồ khoanh vùng bảo vệ, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dẫn đến tình trạng việc quy hoạch, tôn tạo gặp khó khăn.

Thực tế cho thấy một số điểm di tích bị xâm hại, các hộ dân lấn chiếm như khu di tích đồn Bản Mo (huyện Phù Yên) bị các hộ dân xây công trình dân sinh đè lên, khu Mộ táng treo Suối Bàng (Mộc Châu) bị “mộ tặc” phá phách, kho sách cổ chữ Thái, chữ Dao đang bị mục nát dần theo thời gian…

Ngành văn hóa đang tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh để quy hoạch, khoanh vùng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các khu di tích này, đồng thời đề ra biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy những tinh hoa di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở tỉnh Sơn La./.

Điêu Chính Tới (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục