Bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo của làn điệu Soọng cô

Tuyên Quang đang lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ông Nguyễn Việt Thanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, cho biết tỉnh đang lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Dân tộc Sán Dìu ở tỉnh Tuyên Quang có trên 10.000 người (chiếm hơn 1,4% dân số toàn tỉnh).

Hát Soọng cô là một thể loại dân ca trữ tình, một sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn của dân tộc Sán Dìu.

Hát Soọng cô có hai dạng thức là hát giao duyên gắn với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất (hị soon soọng cô) và hát đối đáp trong lễ hội, lễ cưới (sênh ca chíu cô).

Ở dạng thức thứ nhất, nội dung hát vừa để tìm hiểu, có khi để trổ tài. Nếu hát trong nhà thì phải hát theo trình tự, còn khi hát ở ngoài trời có thể ứng tác, lời ca phù hợp với hoàn cảnh cụ thể.

Ở dạng thức thứ hai phải hát theo các bài bản giai điệu bắt buộc. Dù ở dạng thức nào cũng đòi hỏi người hát phải hiểu biết, phải nhanh trí, thông minh, tài ứng khẩu, giỏi đặt lời mới cho các bài ca.

Về nguồn gốc hát Soọng cô, theo truyền thuyết "Truyện quả bầu" nói về nguồn gốc dân tộc Sán Dìu, kể rằng thuở xa xưa trời đất còn gần nhau, có một làng quê đông đúc trù phú soi bóng xuống dòng sông thơ mộng. Bỗng một hôm ông trời nổi giận, cho nước sông dâng cao làm chết muôn loài. Trong làng có hai chị em họ nhanh chân chui vào quả bầu khô, nổi lên theo dòng nước nên sống sót.

Khi nước rút, vì trong vùng không còn ai, họ bèn lấy nhau, sinh nhiều con cháu làm cho người Sán Dìu hồi sinh trở lại. Tuy làng đông người nhưng toàn con cháu cùng huyết thống, không thể lấy nhau được nên phải sang làng khác tìm hiểu.

Để bạn tình ở làng bên rung động họ dùng tiếng hát để diễn tả lòng mình. Hát Soọng cô ra đời từ đó và tồn tại đến ngày nay.

Trải qua thời gian, hát Soọng cô có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Dìu. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, điệu hát Soọng cô đang bị mai một dần.

Qua khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, tại ba xã có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu nhất tỉnh thuộc huyện Sơn Dương là xã Ninh Lai (80% dân số toàn xã là người Sán Dìu), xã Thiện Kế (60% dân số là người Sán Dìu), xã Sơn Nam (42% dân số là người Sán Dìu), chỉ còn rất ít người cao tuổi và trung niên biết hát Soọng cô.

Trước thực trạng trên, để bảo tồn và phổ biến làn điệu hát Soọng cô, tỉnh Tuyên Quang khuyến khích các địa phương thành lập những đội văn nghệ quần chúng; giao nhiệm vụ cho Ðoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh sưu tầm, dàn dựng nhiều tiết mục hát Soọng cô; lồng ghép các tiết mục hát Soọng cô vào các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Qua đó, vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của làn điệu Soọng cô vừa để “hồn cốt” văn hóa của người Sán Dìu ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Cùng với đó, tỉnh Tuyên Quang tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu về hát Soọng cô đang lưu giữ trong nhân dân để làm tài liệu tuyên truyền.

Hàng năm, tổ chức hát Soọng cô ở mỗi thôn, xã, liên xã nhằm khơi dậy, nuôi dưỡng, để hát Soọng cô sống mãi trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Tuyên Quang nói chung và người dân tộc Sán Dìu nói riêng.

Trước đó, tỉnh Tuyên Quang đã có bốn di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là Nghi lễ hát Then, Lễ hội Lồng Tông của dân tộc Tày; Hát Páo dung và Nghi lễ Cấp sắc của dân tộc Dao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục