Bảo tồn khu di tích ATK gắn với phát triển du lịch

Để phát huy giá trị di tích về Bác Hồ ở ATK Việt Bắc-Thái Nguyên cần phải có lộ trình bảo tồn khoa học, bền vững, gắn với du lịch.
Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ATK Việt Bắc - Thái Nguyên cần gắn với phát triển du lịch.

Đó là chủ đề của Hội thảo khoa học do Ban quản lý Khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức từ ngày 12-13/5 tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa.

Đa số các ý kiến tham luận tại hội thảo đều cho rằng phải có lộ trình bảo tồn một cách khoa học, bền vững, gắn kết với du lịch, sớm hoàn thành quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử ATK Định Hóa cùng với ATK Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) và ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), tạo cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển, khai thác triệt để tiềm năng du lịch sẵn có tại các địa phương.

Các cơ quan nghiên cứu, quản lý, cơ quan chuyên môn cần tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, hiện vật để xây dựng dự án trưng bày bổ sung tại các điểm di tích đặc biệt quan trọng liên quan đến thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở ATK Định Hóa, nhằm tạo thêm sự sinh động, hấp dẫn du khách khi hành hương về nguồn thăm lại chiến khu xưa.

Việc bảo tồn, tôn tạo di tích ở ATK Định Hóa nhất thiết phải gắn với bảo tồn không gian di tích, kết hợp với việc nghiên cứu các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể để biến những giá trị đó thành sản phẩm du lịch đặc thù.

Nhằm phát huy giá trị di tích có hiệu quả, Thái Nguyên cũng cần hình thành các tour, tuyến du lịch khoa học, sinh động để níu chân du khách khi đến ATK Định Hóa bằng các sản phẩm du lịch lợi thế như cảnh quan, sản vật, ẩm thực địa phương; đồng thời xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách.

Hiện ở Định Hóa đã có bốn di tích liên quan đến quãng thời gian hoạt động cách mạng của Bác trong thời gian Người sống và làm việc ở ATK đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Do tính chất quan trọng đặc biệt của các điểm di tích này nên từ năm 2001, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhiều điểm di tích như đồi Khau Tý, lán Tỉn Keo, đồi Phong Tướng... đã được phục hồi, tôn tạo bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương thông qua phát triển du lịch, dịch vụ./.

Thảo Nguyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục