Bảo tồn nguồn thảo dược quý trên vùng Bảy Núi

An Giang xác định thảo dược là cây chiến lược và phát triển thảo dược là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội miền núi.
Vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang là mới sinh sống của nhiều thảo dược quý hiếm, cần cộng đồng chung tay bảo tồn, nuôi trồng và khai thác hiệu quả.

Từ năm 2008 đến nay tỉnh đã định hướng và phối hợp với nhiều viện, trường, cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều đề tài, dự án nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, nuôi trồng phát triển và khai thác hợp lý nguồn nguyên liệu thảo dược quí, hiếm trước nạn khai thác tận diệt như hiện nay.

Được thiên nhiên ưu đãi, vùng Bảy Núi tỉnh An Giang bao gồm hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên với gần 8.000 ha rừng trồng, rừng phòng hộ, có độ cao nhất trên 700m, chêch lệch vùng đồng bằng trên 40m, độ ẩm trung bình là 80%, nên có khí hậu ôn đới.

Đây là những điều kiện tốt cho cây cối phát triển xanh tốt quanh năm, trong đó đặc biệt là nguồn thảo dược với nhiều chủng, loài, đã được các nhà đông y trong tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xác định có chất lượng tốt hơn so với các loài thảo dược ở địa bàn ngoài tỉnh. Nhiều nhóm, đoàn của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tập trung về đây sưu tầm, khai thác phục vụ cho nhu cầu điều trị bệnh nên rất cần cho công tác bảo vệ, bảo tồn, khai thác hợp lý, đúng qui định.

Tỉnh An Giang đã xác định thảo dược là cây chiến lược và phát triển cây thảo dược là một phần trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, nông nghiệp-nông thôn-nông dân của hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên.

Nhiều viện, trường, doanh nghiệp đã triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu nuôi trồng các loại dược liệu như “Dự án bảo tồn cây thuốc” của Chi cục Kiểm lâm An Giang; “Dùng phương pháp cấy mô, nhân giống và quy trình sản xuất thảo dược quý hiếm” của trường đại học An Giang; “Dự án xây dựng mô hình phát triển một số dược liệu tại vùng Núi Cấm huyện Tịnh Biên-An Giang” nằm trong chương trình “Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ phục vụ kinh tế xã hội nông thôn và miền núi” của Bộ Khoa học và Công nghệ với 3 loài thảo dược quý như Xuyên tâm liên, Nghệ xà cừ, Đinh lăng lá nhọn trên mô hình 30ha tại năm xã và Dự án Xây dựng mô hình phát triển một số dược liệu vùng Núi Cấm do Trung tâm Sâm và Dược liệu (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện...

Các đề tài, dự án đã được thực hiện với nhiều hình thức như trồng trên triền núi, dưới tán rừng, trồng xen trong vườn cây ăn quả (nông - lâm kết hợp) và đã được công ty dược Domesco (Đồng Tháp), công ty nông sản thực phẩm Bình Điền, công ty Thiên Thảo - Bình Dương, công ty Thiên An... ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cho hiệu quả khả quan, đặc biệt trong đó các dự án nông lâm kết hợp, trồng dưới tán rừng của đồng bào Khmer thu lợi nhuận 25 triệu đồng/ha. Nhiều hộ trồng dược liệu đã thu được lợi nhuận trên 40 triệu đồng/ha, đồng thời còn góp phần bảo tồn, làm phong phú thêm nguồn thảo dược quý hiếm của vùng Bảy Núi. Các đề tài, dự án đã được thực hiện từ năm 2008 và còn kéo dài trong nhiều năm tới.

Các nhà nghiên cứu đã xác định được 893 cá thể, thuộc 103 loài dược liệu, trong đó còn có 6 loài nằm trong sách đỏ cây thuốc Việt Nam đã có mặt tại vùng Bảy Núi An Giang. Do được trồng trong môi trường trong lành, không có nguy cơ ô nhiễm, bên cạnh việc sử dụng thảo dược trong điều trị bệnh không dừng ở bệnh nhân nghèo như trước đây mà đang là xu hướng phổ biến trong cộng đồng, vì vậy đang có rất nhiều doanh nghiệp, viện, trường, nghiên cứu, triển khai ký kết hợp đồng với nhân dân nuôi trồng bảo vệ bảo tồn nguồn giống dược thảo quí.

Hiện công ty dược Domesco (Đồng Tháp) cùng với huyện Tịnh Biên quy hoạch vùng trồng 500 ha với 10 loài thảo dược quý như Đinh lăng, Xuyên Tâm Liên, Hà thủ ô, ngãi... tại Núi Cấm và bao tiêu sản phẩm với giá thỏa thuận vào quý 1 hàng năm. Công ty Du lịch An Giang cũng tranh thủ quy hoạch vùng trồng 20 ha để kết hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với điều trị bằng thảo dược.

Hiện trường Đại học Cần Thơ tiến hành phân tích cơ bản để tiến tới quy hoạch vùng nuôi trồng theo tiêu chuẩn GAP - WHO. Trung tâm Sâm và Dược liệu (Thành phố Hồ Chí Minh) đào tạo cho 4 cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Tri Tôn về phương pháp nhân giống, trồng và thu hoạch cây chùm ngây theo hướng Viet GAP và GACP (Good Agricultural and Collection Practices) - WHO nhằm tăng giá trị cho cây thảo dược và thu nhập cho người trồng, đồng thời chủ động bảo tồn làm phong phú sản lượng và chủng loại cây thuốc quý hiếm của vùng Bảy Núi, nhằm phục vụ tốt cho nhu cầu điều trị bệnh an toàn, hiệu quả./.

Thu Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục