Bảo tồn, phát triển Đờn ca tài tử trong thời kỳ hội nhập

Trước khi UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là Di sản Văn hóa Phi vật thể, cả nước đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Bảo tồn, phát triển Đờn ca tài tử trong thời kỳ hội nhập ảnh 1Một buổi sinh hoạt đờn ca tài tử của Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Việc Tổ chức giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vui mừng và tự hào rất lớn của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là đối với người dân Nam Bộ.

Thế nhưng, bên cạnh niềm vui lớn là nỗi trăn trở của những người quản lý, nhà nghiên cứu, người trực tiếp giảng dạy loại hình nghệ thuật này để Đờn ca tài tử được bảo tồn và phát triển theo đúng bản chất, giữ được hồn dân tộc trong thời kỳ hội nhập thế giới.

Giáo sư Trần Văn Khê, một cây đa, cây đề nghiên cứu và giảng dạy về Đờn ca tài tử cho biết, trước khi UNESCO công nhận Đờn ca tài tử là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện cho nhân loại, cả nước đã có 5 di sản văn hóa được UNESCO công nhận gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca Quan họ Bắc Ninh (2009), Ca trù (2009) và Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (2010).

Như vậy, các miền Bắc, Trung và vùng Tây Nguyên đã có Di sản văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận, nhưng riêng miền Nam vẫn chưa có được một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu nào của riêng mình. Vì thế, đây là niềm vui rất lớn và tự hào của mỗi người con Việt Nam vì giá trị tinh hoa của dân tộc được đúc kết từ nhiều năm qua, nay đã được con cháu tiếp nối, tôn vinh và được cả thế giới biết đến.

Theo giáo sư Trần Văn Khê, để bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử, điều quan trọng nhất là đừng để loại hình nghệ thuật này bị biến chất. Đờn ca tài tử trước đây là cuộc chơi trong gia đình, trong làng, xóm có thể chơi trong thính phòng hoặc trong khung cảnh thiên nhiên cũng được. Vì vậy, việc "thương mại hóa" loại hình nghệ thuật này trong đời sống kinh tế sẽ làm mất đi bản chất của nó.

Hiện tại những nghệ nhân Đờn ca tài tử về mặt bài bản đã tốt, có những câu lạc bộ, người chơi ngồi rất nghiêm túc, chăm chỉ, trúng nhịp, trúng giọng nhưng thiếu tính ngẫu hứng, trao đổi tự nhiên, vì thế làm mất nét đặc thù riêng của nghệ thuật này.

Là người trực tiếp giảng dạy bộ môn Đờn ca tài tử, ông Phan Nhựt Dũng, giảng viên Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài tử Cải lương, Cung Văn hóa Lao động thành phố bày tỏ: việc Đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đặt ra trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam, nhất là người làm công tác giảng dạy quản lý bộ môn nghệ thuật này. Làm thế nào để gìn giữ, bảo tồn và phát triển Đờn ca tài tử chứ không phải bảo tồn để rồi đưa vào bảo tàng!

Theo ông Phan Nhựt Dũng, hiện tại các anh em đi học nhạc công, đa phần học các đàn chính như đàn guitar, đàn kìm hoặc đàn tranh và tất cả các câu lạc bộ, nhóm nhạc rất thiếu về nhạc công. Có bộ phận người học Đờn ca tài tử chỉ học nhạc công với thời gian ngắn, không đầu tư học bài bản nên chất lượng về trình độ của nhạc công vẫn còn yếu.

Mặt khác, sinh viên sau khi tốt nghiệp loại hình này thường trở về các tỉnh làm việc. Có em vẫn theo nghề và làm việc tại trung tâm văn hóa tỉnh, nhưng vì đoàn hát không có nên các em phải đi hát ở các quán để mưu sinh, thậm chí bỏ nghề vì không có chỗ để hoạt động nghệ thuật.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù hoạt động Đờn ca tài tử vẫn được tổ chức thường xuyên nhưng vẫn còn thiếu sân chơi cho người mộ điệu. Nhiều hoạt động, chương trình liên hoan, các cuộc thi Đờn ca tài tử vẫn còn mang hơi hướng phong trào và bệnh thành tích, chưa tạo được niềm tin yêu sâu sắc với đông đảo công chúng yêu bộ môn nghệ thuật này, ông Dũng chia sẻ.

Nhìn từ góc độ của một người giảng dạy nghệ thuật dân gian trong xã hội hiện đại, ông Dũng khẳng định việc bảo tồn Đờn ca tài tử phải song song với việc phát triển sao cho phù hợp với từng thời kỳ, từng thời đại nhưng vẫn không làm mất đi cái hồn của dân tộc từ bao đời nay. Phát triển Đờn ca tài tử trên sân khấu cũng là cách để người dân hiểu hơn về nghệ thuật này.

Người chơi phải tinh tế và sâu sắc để khi khán giả nghe tiếng đàn bầu, đàn kìm, nhưng sâu trong tâm hồn vẫn nhớ về nguồn cội. Đối với người quản lý câu lạc bộ phải thật sự hiểu về Đờn ca tài tử. Mỗi câu lạc bộ phải có tập huấn giảng dạy tổ chức lớp học. Để bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật này, cần phải gắn kết các câu lạc bộ và trường lớp, cũng như có một bộ tiêu chuẩn để chọn lọc những nghệ nhân Đờn ca tài tử thật sự có tài, có tâm.

Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong bộ hồ sơ trình UNESCO có hồ sơ chính quyền cam kết với cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử và cam kết của các nghệ nhân hoạt động nghệ thuật này phải tiếp tục giảng dạy và giữ gìn Đờn ca tài tử cho thế hệ mai sau.

Thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch cụ thể trong năm 2014 như tổ chức 6 lớp học đại trà cho những người mới tập làm quen với Đờn ca tài tử cũng như nâng cao trình độ cho những người chơi. Đồng thời, hỗ trợ nghệ nhân đăng ký mở lớp học Đờn ca tài tử truyền dạy cho người dân.

Đối với các hoạt động liên hoan, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố cũng sẽ tiếp tục tổ chức Liên hoan “Hoa Sen Vàng” lần 2 nhằm tìm kiếm những tài tử đờn ca xuất sắc cũng như xác định trình độ các tài tử. Sắp tới, ngành đề xuất với thành phố có chế độ chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân đờn ca tài tử gặp khó khăn trong cuộc sống với mức hỗ trợ từ 2-3 triệu đồng/tháng để các nghệ nhân cải thiện cuộc sống và tiếp tục truyền dạy nghệ thuật đờn ca tài tử cho thế hệ sau.

Ông Lộc cho biết, năm 2014, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa bộ môn âm nhạc tài tử vào trong trường học để học sinh có cơ hội tiếp cận nhiều hơn nữa đối với môn nghệ thuật này.

Theo ông Lộc, hiện thành phố có 118 câu lạc bộ Đờn ca tài tử với 1.000 nghệ nhân. Hầu hết cây đa, cây đề về đờn ca tài tử đều đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Để con số này tiếp tục tăng cả về chất lượng và số lượng theo đúng tinh thần và giá trị văn hóa thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó việc đổi mới đưa Đờn ca tài tử gắn liền với cuộc sống hiện đại là điều cần thiết nhưng không làm mất đi hồn dân tộc đã tồn tại qua hơn 100 năm nay./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục