Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì phát triển bền vững ĐBSCL

Diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” lần thứ 6, diễn ra ngày 13/6, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Diễn đàn “Bảo tồn thiên nhiên và văn hóa vì phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” lần thứ 6, diễn ra ngày 13/6, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An.

Diễn đàn với chủ đề “Cải thiện công tác quy hoạch thông qua lồng ghép các vấn đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và khuyến khích các mô hình sinh kế thích nghi với biến đổi khí hậu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.”

Các nhà khoa học, nhà quản lý và chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề về tổng quan quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quản lý tài nguyên thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long, hướng dẫn lồng ghép các vấn đề môi trường trong xây dựng và triển khai các chiến lược, quy hoạch.

Các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận về lồng ghép phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái thích ứng với biến đổi khí hậu vào quá trình xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và kiến nghị chỉnh sửa các quy hoạch liên quan…

Phó giáo sư, tiến sỹ Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cấp, các ngành, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng mỗi người dân đẩy mạnh truyền thông về ý nghĩa, vai trò, giá trị và phương pháp quản lý, khai thác, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái vùng đất ngập nước nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khi hậu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng đề nghị cần điều tra, thống kê, đánh giá tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên sinh học tại các vùng ngập nước; đề xuất xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh; khoanh vùng bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia và địa phương.

Các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường nói chung và bảo tồn, phát triển các vùng đất ngập nước nói riêng, sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.

Đồng bằng sông Cửu Long thuộc hạ lưu sông Mekong, là đồng bằng lớn nhất của Việt Nam, trong đó diện tích đất ngập nước có khoảng 3,9 triệu ha. Đây là nơi sinh sống của trên 17 triệu người thuộc 13 tỉnh, thành phố phía Nam của Việt Nam, giàu có về đa dạng sinh học, lưu giữ nhiều giống loài và nguồn gen quý hiếm; nơi cung cấp trên 50% sản lượng lương thực, 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Ngoài ra, vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn là nơi trồng và đánh bắt thủy sản lớn, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới.

Những năm gần đây, diễn biến phức tạp của thời tiết và khí hậu đã trở thảnh những trở ngại đối với sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội, các hệ sinh thái tự nhiên gắn liền với sinh kế truyền thống của người dân ở nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy, diễn đàn này nhằm xác định và tháo gỡ những khó khăn trong công tác quy hoạch cũng như thúc đẩy các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng thời, Diễn đàn sẽ giới thiệu Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng Một năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục