Bảo tồn và hồi sinh nét tinh hoa Việt trên sản phẩm gốm Chu Đậu

Sau hơn ba thế kỷ thất truyền, nay gốm Chu Đậu hồi sinh, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Sự phục hồi của làng gốm còn tạo nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề cho địa phương.
Bảo tồn và hồi sinh nét tinh hoa Việt trên sản phẩm gốm Chu Đậu ảnh 1Các đại biểu tham quan trưng bày hiện vật gốm Chu Đậu. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Chu Đậu được coi là một trong những chiếc nôi của nghề gốm Việt Nam. Gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) phát triển rực rỡ vào giai đoạn thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Sau hơn ba thế kỷ thất truyền, nay gốm Chu Đậu hồi sinh, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Sự phục hồi của làng gốm còn tạo nhiều tiềm năng phát triển du lịch làng nghề cho địa phương.

Lai lịch dòng gốm cổ

Thôn Chu Đậu là một vùng quê yên bình bên tả ngạn sông Thái Bình. Chu Đậu theo tiếng Hán có nghĩa là bến thuyền đỗ. Những năm trước đây, cư dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nên địa danh Chu Đậu ít được mọi người biết đến. Lai lịch làng gốm cổ Chu Đậu được phát hiện một cách hết sức tình cờ.

Năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên là Bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Takapisaray (Istanbul).

Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút," tạm dịch là "Năm Thái Hòa thứ tám (1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ chơi."

Và ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương thời bấy giờ xác minh giúp ông xem chiếc bình gốm quý giá đó có xuất xứ từ làng gốm nào.

[Phát huy tài năng những bàn tay vàng của nghề gốm Chu Đậu]

Những thông tin quý báu này giúp các cơ quan chức năng thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ. Tháng 4/1986, Sở Văn hóa-Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di tích Chu Đậu.

Kết quả thật bất ngờ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều di vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp mà từ trước đến nay chưa từng được phát hiện.

Từ đó đến nay, qua 8 lần khai quật ở tầng sâu 2m trên diện tích 70 nghìn m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Kết quả những cuộc khai quật không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình.

Trước đây, khi đào ao, xây nhà, họ thường hay bắt gặp những chiếc mâm bồng, con kê vành khăn (những công cụ chống dính của lò gốm), nhưng không ai biết những thứ đó dùng để làm gì, nên thường cho trẻ nhỏ chơi.

Sau những kết quả của các cuộc khai quật, sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở những hai con tàu bị đắm ở vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997.

Hơn 340.000 hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240 nghìn hiện vật còn lành đã được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ.

Giới chuyên môn đánh giá cao gốm Chu Đậu từ dáng vẻ, chất men, họa tiết, hoa văn trang trí… tất cả đều đẹp hoàn hảo. Gốm Chu Đậu được thể hiện dưới nhiều hình thức như vẽ, khắc, họa, đắp nổi đều phóng khoáng, trữ tình, hài hòa, tinh xảo.

Những họa tiết, hoa văn trên gốm thể hiện đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là khung cảnh thiên nhiên và cuộc sống của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng như cảnh mục đồng chăn trâu, chim đậu trên cành hoa, đàn cá bơi dưới nước, mái nhà tranh ven sông…

Phương pháp chế tạo đạt trình độ cao, đó là chuốt, tạo dáng trên bàn xoay, ngắt sản phẩm thành nhiều công đoạn rồi lắp ghép lại và gia công. Các sản phẩm được thể hiện trên chất liệu men trắng hoa lam, men ngọc, hay men màu tam thái.

Hiện nay, 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm tại bảo tàng Topakisaray đã được trả giá tới 1 triệu USD.

Hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định được Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.

Đồng thời, hàng nghìn đồ gốm Chu đậu có trong nhiều bảo tàng ở Việt Nam và nước ngoài đã xác nhận Chu Đậu là nơi làm gốm hàng đầu với chất lượng cao, loại hình và kiểu dáng đa dạng.

Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh-Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá. Các nghệ nhân làng gốm đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới.

Gốm cổ Chu Đậu hồi sinh

Đầu năm 2000, anh Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Công ty sản xuất, dịch vụ và xuất nhập khẩu nam Hà Nội (Hapro) một người con của quê hương Nam Sách đã về Chu Đậu để thực hiện một dự án đầu tư sản xuất mặt hàng gốm xuất khẩu, nhằm khôi phục thương hiệu gốm nổi tiếng, kết hợp với hoạt động du lịch làng nghề.

Được sự ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương, tháng 10/2001, Xí nghiệp gốm Chu Đậu ra đời và đi vào hoạt động. Cơ sở mới rộng 33.250m2 được xây dựng trên dòng sông cổ chảy qua làng, với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 24 tỷ đồng.

20 nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa, Hải Dương… đã nhận lời hợp tác với đơn vị, vừa nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu, vừa thiết kế những mẫu sản phẩm mới để đưa ra thị trường.

Bảo tồn và hồi sinh nét tinh hoa Việt trên sản phẩm gốm Chu Đậu ảnh 2Bảo tàng tỉnh Hải Dương nhận quyết định xếp hạng là Bảo tàng hạng II. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

178 công nhân, chủ yếu là người địa phương được xí nghiệp tuyển chọn. Qua thời gian đào tạo, đến nay những người thợ trẻ đã khá thành thục với các thao tác làm gốm.

Tháng 5/2003, xí nghiệp gốm Chu Đậu đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang thị trường Tây Ban Nha. Từ đó đến nay, xí nghiệp đã có nhiều lô hàng xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới."

Không chỉ dừng lại ở việc phát triển thương mại, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hải Dương còn đầu tư để thôn có cơ hội phát triển du lịch làng nghề. Đường từ quốc lộ 5 vào làng được nâng cấp rộng rãi.

Đền thờ Đặng Huyền Thông - ông tổ nghề gốm Chu Đậu được tu sửa khang trang. Các di tích lò gốm cổ, bảo tàng gốm thôn Chu Đậu - nơi lưu giữ nhiều hiện vật gốm cổ được tìm thấy qua các lần khai quật được sửa sang, mở cửa đón khách. Cuộc sống người dân Chu Đậu đã từng bước được cải thiện nhờ vào sản phẩm gốm.

Để có thể giới thiệu rộng rãi các sản phẩm gốm Chu Đậu mới đến khách hàng trong và ngoài nước, mới đây, Xí nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm gốm Chu Đậu rộng 1.000m2.

Ngày mở cửa phòng trưng bày cũng là ngày những người dân Chu Đậu và các xã lân cận vui sướng, hồ hởi bởi Chu Đậu được Tổng cục Du Lịch Việt Nam chọn là địa điểm để tiến hành kỷ niệm ngày du lịch thế giới, đồng thời khai trương tour du lịch mới hấp dẫn tại làng gốm Chu Đậu.

Nhiều hoạt động bảo tồn, giữ gìn và phát triển gốm Chu Đậu đã được tỉnh Hải Dương triển khai. Mới đây, ngày 15/11/2019, Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã Khai mạc trưng bày chuyên đề "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam."

Ban tổ chức đã giới thiệu trên 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, chọn lọc từ nhiều lần khai quật tại di tích gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân; gốm Mỹ Xá, xã Minh Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và những hiện vật gốm được trục vớt từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Các hiện vật gốm đa dạng và phong phú gồm bình, lọ, bát, đĩa, ấm, chén… với những họa tiết hoa văn được vẽ thủ công tinh xảo như hoa cúc dây, hoa phù dung, hoa sen, hoa văn thiên nga, chim chích chòe, các loài thủy sản như tôm, cua, cá.

Các hiện vật cũng cho thấy sự phong phú về màu men gốm như màu men trắng ngà hoa lam, men trắng trong, vàng nhạt, xanh lục, tam thái.

Trưng bày giúp người xem hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Chu Đậu trong dòng chảy lịch sử gốm Việt và thêm trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục