Bảo tồn và phát huy điệu lượn Slương của người Tày ở Cao Bằng

Có lịch sử lâu dài, được truyền từ đời này qua đời khác theo phương thức truyền khẩu, lượn Slương được coi là pho di sản văn hóa độc đáo quý báu của người Tày.

Lượn Slương là một làn điệu dân ca độc đáo, đặc sắc của người Tày vùng Việt Bắc nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng.

Hiện nay do tác động của cơ chế thị trường, thế hệ trẻ người dân tộc Tày ít người quan tâm đến thể loại dân ca cổ truyền này, khiến cho điệu lượn Slương có nguy cơ mai một và mất hẳn. Vì vậy, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cần có những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị nhân văn của thể loại dân ca độc đáo này.

Theo Thạc sỹ Hoàng Thị Nhuận, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Cao Bằng, qua những nghiên cứu về Văn hóa học, Dân tộc học, Văn học dân gian và những văn tự Nôm của người Tày thì lượn Slương khởi nguồn từ huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) rồi lan truyền đến các vùng lân cận thông qua giao lưu văn hóa tại các lễ hội Xuân hoặc các cuộc hẹn hò giao duyên của thanh niên làng, bản.

Lượn Slương được truyền từ đời này qua đời khác theo phương thức truyền khẩu. Do có lịch sử lâu dài nên lượn Slương được coi là pho di sản văn hóa độc đáo quý báu của người Tày.

Thạc sỹ Hoàng Thị Nhuận cho biết thêm, giá trị của lượn Slương nằm ở sự độc đáo về nội dung và nghệ thuật của điệu lượn này. Lượn Slương gồm ba phần là lượn đi đường, lượn sử và lượn chúc mừng. Lượn Slương (nghĩa là lượn Thương) là bộc bạch niềm thương nhớ. Niềm nhớ thương của một tình yêu đã nặng sâu nặng. Cách diễn đạt của lượn Slương mang đậm sắc màu độc thoại hơn là những dấu hiệu hình thức của ngôn ngữ đối thoại…

Lượn Slương phát triển mạnh nhất vào giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Sau đó, cả nước bước vào các cuộc kháng chiến chống giặc ngoài xâm, lượn Slương cũng lắng xuống. Tuy nhiên, lượn Slương vẫn sống âm thầm trong lòng những cụ già yêu thích điệu lượn đặc trưng của dân tộc và mong muốn được phục hồi điệu hát cổ truyền này.

[Giữ gìn và phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê Bác]

Bà Đinh Thị Đà, 77 tuổi, ở xã Đức Xuân, là một trong những người lớn tuổi nhất của huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, còn yêu và hát điệu lượn Slương. Bà Đà cho biết, trước đây khi còn trẻ bà đã được các cụ bà trong bản dạy hát lượn Slương. Bà lớn lên cùng điệu lượn ngọt ngào, yêu thương đó. Lượn Slương cứ ngấm vào con người cho đến khi bà đi học, đi làm. Cuộc sống tất bật, hai cuộc kháng chiến trường kỳ cũng làm bà ít hát điệu hát cổ truyền của dân tộc mình.

Đến năm 1985, khi nghỉ hưu, bà Đà bắt đầu sưu tầm và ghi chép lại các bài lượn. Năm 2013, khi Nhà nước có chính sách khôi phục văn hóa các dân tộc thì bà Đà cùng một số người yêu điệu lượn thành lập các nhóm hát lượn Slương xã Đức Xuân, huyện Thạch An. Nhóm hát của bà Đà gồm tám thành viên, trong đó có hai người 80 tuổi là những người yêu thích văn hóa dân gian, cùng nhau sưu tầm và hát lượn. Nhóm hát lượn của bà Đà thường xuyên đi biểu diễn hát lượn trong các buổi giao lưu ở các thôn, xã trên địa bàn huyện, tham gia các cuộc thi hát dân ca của tỉnh Cao Bằng.

Theo bà Đà, qua những buổi biểu diễn, bà nhận thấy nhiều người Tày vẫn còn yêu thích điệu lượn Slương bởi nội dung những bài lượn Slương là ca ngợi tình cảm giữa con người với con người; giáo dục, khuyên bảo con người sống tốt với nhau...

Mặc dù vậy, bà Đà cũng lo lắng, khi lớp người trẻ ở Đức Xuân không ai hát được điệu lượn Slương. Nếu không có người hát được thì sự cảm nhận về điệu hát ngọt ngào, đầy tình yêu thương này không còn... Vì vậy, bà Đà cũng như những người còn biết hát điệu lượn Slương mong muốn các ngành chức năng làm công tác văn hóa trên địa bàn tỉnh Cao Bằng cần có giải pháp phục dựng, hình thành các lớp dạy hát điệu lượn Slương để điệu hát cổ truyền này được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống ngày nay.

Anh Nông Văn Cấp, 44 tuổi, ở xã Đức Xuân, huyện Thạch An, cho biết anh là người yêu các làn điệu dân ca dân tộc Tày như hát Then, hát Phong slư, lượn Slương…

Biết lượn Slương từ lúc 18 tuổi, theo anh Cấp, lượn Slương có giai điệu ngọt ngào, yêu thương, sâu lắng. Ngày trước làng bản nào có đám đến lượn thì chứng tỏ làng bản đó giàu có, trù phú và mến khách. Lượn Slương được hát vào ban đêm trong không gian nhà sàn, bên bếp lửa. Ngày nay, một số điệu lượn Slương đã được biểu diễn ở đám cưới, trong các buổi sinh hoạt văn nghệ của thôn, bản.

Trước thực trạng điệu lượn này có thể mất đi, anh Cấp tập trung sưu tầm và ghi chép các bài lượn của các cụ trước đây. Cùng với đó, anh đang cố gắng truyền dạy cho một số bạn trẻ yêu các làn điệu dân ca dân tộc Tày để thế hệ sau này phát huy được những giá trị của lượn Slương…

Bàn về giải pháp bảo tồn và phát huy các làn điệu dân ca dân tộc Tày, ông Vũ Tuấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, cho biết trên địa bàn huyện đang có một số lớp giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng. Các lớp dạy dân ca này bước đầu phát huy hiệu quả, lôi cuốn được một số bạn trẻ tham gia.

Ngành Văn hóa huyện Thạch An cũng xác định, thời gian tới, huyện sẽ đưa dân ca Tày vào giảng dạy trong học đường một cách hệ thống, bài bản, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, được tiếp cận với văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian, dân ca các dân tộc. Đây là hành động mang tính chiến lược, đúng đắn, thiết thực nhằm không ngừng bảo tồn và phát huy, phát triển dân ca các dân tộc trong huyện…

Cùng với đó, huyện kết hợp với các ngành chức năng phục dựng lại các điệu dân ca đang có nguy cơ mai một và mất hẳn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục