Bảo tồn và phát triển du lịch Bắc Hà-Biến di sản thành tài sản

Bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch trên cao nguyên Bắc Hà

Bắc Hà "vắt mình" trên đá xám, ẩn hiện trong làn mây trắng, là nơi đồng bào các dân tộc đang nỗ lực biến di sản thành tài sản để phát triển du lịch.
Bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch trên cao nguyên Bắc Hà ảnh 1Một góc trung tâm thị trấn Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Đi vào nhớ dốc Trung Đô/Đi ra thì nhớ rượu ngô Bắc Hà" - đó là câu nói truyền miệng của đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà (Lào Cai) với du khách khi đến cao nguyên này.

Quả là như thế bởi chiếc xe Minsk của chúng tôi khỏe là thế bỗng gầm gừ, phụt khói đen sẫm, khi vượt dốc Trung Đô quanh co.

Bắc Hà "vắt mình" trên đá xám, ẩn hiện trong làn mây trắng. Nơi đây, đồng bào các dân tộc đang nỗ lực bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa đặc sắc, biến di sản thành tài sản để phát triển du lịch.

Thương hiệu Bắc Hà

Từ thành phố Lào Cai, vượt hơn 40km quốc lộ 70 trải nhựa uốn lượn như con trăn đen khổng lồ, vắt ngang những sườn núi xanh bảng lảng sương mù, thêm chừng 30 km vượt đường đèo, leo ngược từng dốc cao, cuối cùng chúng tôi đã đến trung tâm thị trấn Bắc Hà.

Anh Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Hà đón chúng tôi bằng nụ cười cùng ấm trà atisô hảo hạng của địa phương. Bên trang bản thảo "bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc các dân tộc bản địa Bắc Hà" còn thơm mùi mực mới, anh Luyện hồ hởi chia sẻ về nét đẹp văn hóa của 14 dân tộc đang sinh sống trên rẻo cao Bắc Hà.

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa và các lễ hội truyền thống độc đáo riêng. Những lễ hội đều gắn với tín ngưỡng linh thiêng, huyền bí, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, các lễ hội và những sinh hoạt văn hóa đặc sắc đã giúp Bắc Hà ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

"Mình sẽ đưa các bạn đi bản Na Hối, Thải Giàng Phố, Tà Chải... rồi ba cùng (ăn, ngủ, nghỉ) với đồng bào nhé. Như vậy mới cảm nhận rõ nét đẹp của đất và người Bắc Hà" - anh Luyện nói rồi bước ra xe đưa chúng tôi về Tà Chải. Từ trung tâm huyện vào đến bản Tà Chải không xa. Trên con đường liên thôn đang được bê tông hóa kiên cố, người dân trong bản hăng hái làm đường, tiếng máy trộn bê tông nổ giòn hòa cùng tiếng cười, tiếng nói rộn vang. Mặc dù là xã khó khăn của huyện Bắc Hà, nhưng với chương trình xây dựng nông thôn mới, bản Tà Chải đang thay da đổi thịt từng ngày.

Đến thôn Na Pác Ngam - nơi được coi là “cái nôi” của múa xòe, chúng tôi gặp lão nghệ nhân Lâm Văn Lù. Nghệ nhân Lâm Văn Lù năm nay hơn 70 tuổi, vừa nhấp chén rượu ngô thơm nồng vừa kể cho chúng tôi về nét độc đáo văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc bản địa và về các lễ hội truyền thống được truyền từ đời này sang đời khác ở địa phương. Câu chuyện văn hóa truyền thống bản địa được mở rộng theo lời kể của lão nghệ nhân, cùng chỉ dẫn địa giới không gian lễ hội văn hóa truyền thống trên địa bàn toàn huyện Bắc Hà.

Còn theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lào Cai: Lễ hội văn hóa truyền thống ở Bắc Hà là một trong những loại hình di sản độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Lễ hội thể hiện rất rõ đời sống văn hóa tâm linh, những quan niệm nhân sinh và các sinh hoạt văn hóa dân gian khác.

Lễ hội là một trong những loại hình văn hóa đặc biệt, có sức thu hút lớn đối với du khách. Lễ hội truyền thống ở Bắc Hà diễn ra hàng năm, chủ yếu là vào mùa xuân, khi ấy khí hậu, cảnh sắc thiên nhiên đẹp nhất. Con người cũng thong thả, an nhàn qua một năm vất vả, bắt đầu chuẩn bị cho những mùa vụ tiếp theo. Do có đến 14 dân tộc anh em cùng sinh sống nên ở Bắc Hà có khá nhiều lễ hội mang những nét đặc trưng riêng của các dân tộc khác nhau.

Nhìn chung, các lễ hội đều mang tính nhân văn sâu sắc, hướng thiện, cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa, trừ tà và mong muốn cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Trong đó phải kể đến những lễ hội lớn, có tầm ảnh hưởng rộng và thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách như Lễ hội xuống đồng, Lễ hội Đền Bắc Hà, Lễ hội Say Sán, Nghi lễ nhảy lửa, cấp sắc…

Ngoài ra, còn có các hoạt động mang đậm giá trị văn hóa, văn nghệ thể thao của đồng bào các dân tộc như giải đua ngựa truyền thống, múa khèn, múa xinh tiền… Đây chính là những nét độc đáo trong các lễ hội truyền thống được huyện Bắc Hà đặc biệt quan tâm nhằm duy trì, phát triển và tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với Bắc Hà.

Hiện nay, các lễ hội truyền thống độc đáo trên địa bàn huyện được tổ chức vào mỗi dịp đầu xuân năm mới là Lễ hội Say sán của đồng bào Mông, Lễ hội xuống đồng của đồng bào dân tộc Tày, Lễ nhảy lửa của người Dao đỏ... Các lễ hội tổ chức chủ yếu ở quy mô làng xã và mang đậm nét văn hóa của các dân tộc.

Các lễ hội này được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, các trò chơi dân gian được khôi phục, kết hợp với các hoạt động văn hóa, thể thao như bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ quần chúng, đã tạo thêm nét tưng bừng cho ngày hội. Mỗi địa phương tuy cùng một chủ đề lễ hội, nhưng do điều kiện tự nhiên, xã hội, văn hóa khác nhau nên cách thức tổ chức cũng khác nhau.

Điều đó càng làm tăng thêm sự đa dạng, phong phú cho các loại hình lễ hội ở Bắc Hà. Đồng thời lễ hội cũng là nơi bảo tồn, giữ gìn những giá trị của văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Đây là những tiềm năng du lịch văn hóa rất lớn của vùng đất Bắc Hà được cấp ủy, chính quyền các cấp đặc biệt coi trọng giữ gìn và phát triển.

Biến di sản thành tài sản

Bắc Hà nổi tiếng với tên gọi “cao nguyên trắng” bởi nơi đây bốn mùa mây giăng trắng bay phủ khắp các non cao. Nơi đây còn có tích vào mùa xuân, hoa mận, mơ, lê nở trắng rộ khắp cao nguyên hòa lẫn màn sương trắng giăng mắc trên những sườn núi nên Bắc Hà được mệnh danh là "cao nguyên trắng".

Theo chỉ dẫn thông tin văn hóa du lịch từ Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Lào Cai, nằm ở cửa ngõ Bắc Hà là vùng đất Bảo Nhai, Cốc Ly. Đây là khu vực có khí hậu cận nhiệt đới của Bắc Hà bởi vậy cảnh vật nơi đây cũng có vẻ đẹp riêng.

Đặc biệt từ cầu Bảo Nhai đi xuồng ngược sông chảy đến Cốc Ly, du khách được khám phá vẻ đẹp của Hang tiên; nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của chợ văn hóa Cốc Ly; làng bản vùng đồng bào dân tộc Dao, Mông, đặc biệt là bản Trung Đô với các danh lam, thắng cảnh như: cây gạo Nàng Niến, hòn đá thề, rùa đá, ao chúa bầu.

Ở đây còn có các di tích lịch sử văn hóa như đền Trung Đô đã được công nhận di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia năm 2009.

Ngược lên vùng thượng huyện là các danh lam thắng cảnh thiên nhiên đẹp như rừng sa mộc Lầu Thí Ngài, rừng nguyên sinh và hang rồng Tả Van Chư, thác Sông Lẫm Tả Củ Tỷ. Khu vực trung tâm huyện Bắc Hà có những danh lam thắng cảnh thiên nhiên như núi cô tiên, núi 3 mẹ con, đền Bắc Hà thờ gia quốc công Vũ Văn Mật, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng…

Đặc sắc nhất là chợ văn hóa vùng cao Bắc Hà - một trong 10 chợ hấp dẫn nhất Đông Nam Á, nơi có chảo thắng cố được ghi vào sách kỷ lục Việt Nam. Người dân ở đây còn lưu giữ, bảo tồn được các môn thể thao của dân dân tộc mình như đua ngựa, ném còn, kéo co.

Cùng với đó là những nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực như cốm, xôi 7 màu, bánh dày, lợn cắp nách, lạp sườn, phở chua, thắng cố, mèn mén…

Ngoài ra, đây còn là quê hương của loại rượu ngô Bản Phố nổi tiếng được nấu bằng hạt ngô vàng địa phương với men lá cây hồng mi và nguồn nước trong các khe đá, chưng cất ra rượu ngô đặc sản tinh khiết, trong vắt, thơm nồng quyến rũ.

Ông Thào Seo Cấu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bắc Hà cho biết: Nghị quyết đảng bộ huyện Bắc Hà nhiệm kỳ 2010-2015 đã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn… Theo đó, Bắc Hà đã và đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ-du lịch.

Nhiều tuyến đường giao thông đến trung tâm huyện và các xã có thế mạnh về phát triển du lịch đã được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Các danh lam, thắng cảnh, di tích văn hóa lịch sử được trùng tu, tôn tạo. Huyện cũng đã ban hành quy chế quản lý hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn; xây dựng và triển kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý, hướng dẫn viên du lịch, mở các lớp dạy nghề du lịch. Mở các tua, tuyến du lịch mới. Một số lễ hội truyền thống được khôi phục và phát triển. Đến nay, các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, phong phú.

Minh chứng cho những nỗ lực này là huyện Bắc Hà đã khôi phục và duy trì giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà hàng năm. Thông qua hoạt động này đã góp phần quảng bá hình ảnh đất và người vùng cao Bắc Hà.

Năm 2007 du khách đến Bắc Hà mới đạt khoảng trên 70.000 lượt người thì đến năm 2014, huyện đã đón trên 200.000 lượt du khách, trong đó, khách nước ngoài chiếm 30%.

Đạt kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của giải đua ngựa truyền thống. Chính sự say mê trên đường đua và sự đa sắc màu văn hóa các dân tộc đã thu hút, tạo sức hấp dẫn đối với du khách khi đến Bắc Hà.

Cùng với Sa Pa , vào mỗi mùa du lịch hoặc những ngày cuối tuần, Bắc Hà cũng là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách. Điển hình phải kể đến làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Na Lo, thôn Na Thá, xã Tả Chải, làng du lịch cộng đồng xã Na Hối, Bản Phố, Tả Văn Chư, làng du lịch văn hóa Trung Đô, xã Bảo Nhai…

Đây là những điểm du lịch cộng đồng mà người dân Bắc Hà đã biết khai thác phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, di tích lịch sử - văn hóa, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc hấp dẫn du khách.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Hà tiếp tục mở rộng, đa dạng các sản phẩm du lịch và bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc, tạo sự đột phá về phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục