Bảo tồn và phát triển giống mận hậu Nàn Ma

Đến xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang vào dịp mùa mận hậu bắt đầu thu hoạch, hai bên đường vào trung tâm xã là những vạt rừng mận bạt ngàn, với những quả mận to, lúc lỉu trên cành. Mận hậu Nàn Ma quả to, tròn, cùi đỏ, có vị ngọt lịm đã trở thành loại cây đặc sản.

Đến xã Nàn Ma, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang vào dịp mùa mận hậu bắt đầu thu hoạch, hai bên đường vào trung tâm xã là những vạt rừng mận bạt ngàn, với những quả mận to, lúc lỉu trên cành. Mận hậu Nàn Ma quả to, tròn, cùi đỏ, có vị ngọt lịm đã trở thành loại cây đặc sản.
 
Xã Nàn Ma có 90% dân số là người dân tộc Mông, cuộc sống của người dân đang từng bước đổi thay nhờ có nguồn thu từ quả mận hậu. Bí thư Đảng ủy xã, ông Dương Thanh Bình cho biết, hiện cả xã có trên 140ha mận, trồng rải rác ở các thôn Nàn Lý, Lùng Sán, La Chí Chải, những nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây mận hậu.
 
Nhờ phát triển diện tích cây mận hậu, nhiều hộ dân tộc Mông đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như các hộ gia đình Giàng Seo Dê thôn Nàn Ma, Thò Mí Sính, Lò Dũng Sinh thôn La Chí Chải... đều có từ 100 - 150 gốc mận trở lên, mỗi vụ cho thu hoạch từ 20 - 25 triệu đồng.
 
Theo ông Bình, nhiều địa phương khác ở Hà Giang cũng trồng thử giống mận hậu nhưng kết quả không như mong đợi. Chính vì vậy, mận hậu Nàn Ma là món hàng đặc sản của địa phương, được du khách trong và ngoài nước biết tiếng.
 
Hiện tại, trong chương trình phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương, cây mận hậu được địa phương ưu tiên đưa vào phát triển trên diện rộng. Theo kế hoạch năm 2009, toàn xã sẽ phát triển thêm 10.000 cây mận hậu. Qua đó, từng bước giúp người dân địa phương hình thành và phát triển thành vùng chuyên canh cây ăn quả hàng hóa có giá trị kinh tế cao.
 
Người dân địa phương cho biết cây mận hậu đã xuất hiện trên mảnh đất Nàn Ma từ bao đời nay. Tuy nhiên, trước đây không ai để ý đến giá trị kinh tế của loại cây truyền thống này. Thương hiệu mận hậu Nàn Ma chỉ bó hẹp trong thôn, xã. Khoảng 5 năm trở lại đây, qua trao đổi thông thương giữa người dân địa phương với các vùng lân cận, mận hậu mới được nhiều nơi biết tiếng.
 
Trồng mận hậu phải 7 - 8 năm mới cho thu hoạch. Chính vì thế, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển cây mận đã được địa phương chú ý hơn. Chẳng hạn như lấy gốc cây để trồng, cấy mắt cây mận hậu vào cây mận khác hoặc cấy ghép giống mận hậu ngay tại địa phương để cung cấp cho người dân. Phương thức mới này sẽ rút ngắn được thời gian thu hoạch của giồng mận từ 7 - 8 năm xuống còn 4 - 5 năm.
 
Thị trường tiêu thụ mận hậu hiện nay tương đối ổn định, chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Giang, Hà Nội... Hàng năm, ngay đầu vụ, tư thương các nơi đã đến Nàn Ma đặt mua từ gốc, chỉ chờ khi chín sẽ đến thu hoạch. Năm 2008, với sự hỗ trợ của Hội làm vườn tỉnh Hà Giang, huyện Xín Mần đã gửi bản quyền về giống mận hậu đặc sản của địa phương để đăng ký bản quyền về thương hiệu "Sản phẩm mận hậu Nàn Ma"./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục