Bảo trì đường bộ không theo kịp tải trọng: "Quýt làm, cam chịu"

Nhiều tuyến đường giảm tải, đường tránh của Hà Nội hiện nay như Lương Thế Vinh, Tam Trinh, cầu Thanh Trì, Pháp Vân-Cầu Giẽ, quốc lộ 5 và ngay cả những tuyến đường nội đô... mỗi ngày phải gánh chịu tải trọng của hàng ngàn lượt ô tô các loại qua lại.

Nhiều tuyến đường giảm tải, đường tránh của Hà Nội hiện nay như Lương Thế Vinh, Tam Trinh, cầu Thanh Trì, Pháp Vân-Cầu Giẽ, quốc lộ 5 và ngay cả những tuyến đường nội đô... mỗi ngày phải gánh chịu tải trọng của hàng ngàn lượt ô tô các loại qua lại.

Ngành Giao thông Vận tải hàng năm phải dành hàng trăm tỷ đồng nhà nước để bảo trì đường bộ, nhưng cứ gia cố, cứ làm mới một thời gian, các tuyến đường lại xuống cấp nhanh hơn so với dự kiến bảo dưỡng, sửa chữa.

Một trong những nguyên nhân chính là xe quá tải hàng ngày nối đuôi, vô tư cày xéo, tạo ổ voi, ổ trâu trên những con đường.

Chở gấp đôi tải trọng

Vào những ngày thời tiết khô ráo, đường Lương Thế Vinh - đường giảm tải cho đường Khuất Duy Tiến để xây dựng đường vành đai 3; đường Tam Trinh-đường tránh cho đường Minh Khai-Giải Phóng; đường dẫn cầu Thanh Trì-đường giảm tải cho cầu Chương Dương vào nội đô; đường Đức Giang, Kim Giang... bụi bay mù trời sau những đoàn xe siêu trường, siêu trọng, xe chở vật liệu xây dựng, đất cát quá tải nối đuôi nhau lăn bánh. Còn khi trời mưa, những con đường "đau khổ" trên lầy lội, nhầy nhụa bùn đất, nước ngập sình lún lòng đường.

Người dân sinh sống, qua lại dọc các tuyến đường này hàng ngày phải hứng chịu độ ồn, độ bụi vượt mức cho phép. Hệ quả dễ thấy nhất dưới những vòng bánh xe trọng tải lớn là mặt đường chi chít ổ trâu, ổ voi, thậm chí nhiều nơi, người ta phải đặt những tấm thép dày, khổ lớn lên trên để lấy lối đi lại.

Cầu Đuống (huyện Gia Lâm) là cây cầu huyết mạch của tuyến giao thông trên quốc lộ 1 cũ đi Bắc Ninh, Lạng Sơn, quốc lộ 3, từ lâu đã xuống cấp trầm trọng do ngày đêm phải gồng mình gánh chịu sức nặng của không ít xe trọng tải lớn, nhiều đoạn lòng đường trơ cả cốt sắt.

Tại cửa ngõ quốc lộ 5 vào nội đô qua cầu Chương Dương, xe tải trọng lớn chỉ được phép vào thành phố trước 5 giờ sáng và sau 22 giờ hàng ngày, nên những đoàn xe tải trọng lớn phải xếp hàng dài ngoài quốc lộ 5 để chờ đến giờ được phép mới bắt đầu "rầm rập", làm rung chuyển cửa nhà dân trên đường Nguyễn Văn Cừ trong đêm... Do không chịu nổi sức nặng của những chiếc xe tải trọng lớn, lớp nhựa đường của những cung đường này qua thời gian bị xô đẩy, dồn ứ sang hai bên, nghiễm nhiên trở thành những ổ voi, ổ trâu.

Theo các chuyên gia Cục Đường bộ Việt Nam, sau khi các trạm cân tải trọng xe ngừng hoạt động (năm 2003), do sức ép cạnh tranh về nguồn hàng, lợi nhuận, nên tình trạng xe chở hàng quá tải diễn ra phổ biến, gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ quá tải. Những nghiên cứu của dự án bảo vệ mạng lưới đường bộ Việt Nam trên một số tuyến đường cho thấy, có khoảng 30% số xe chở quá tải hơn 200% mức cho phép.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan với Bộ Giao thông Vận tải trong công tác quản lý tải trọng xe còn thiếu chặt chẽ, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm bảo vệ công trình đường bộ. Đây là những tác nhân làm giảm tuổi thọ của các công trình cầu cống hiện nay.

Quản lý tải trọng xe từ nơi xuất phát


Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn thiện đề án tổng thể quản lý tải trọng xe, nhằm nỗ lực bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trước sự tàn phá của xe quá tải hiện nay. Từ hiện trạng đường sá, đề án đề xuất khôi phục hệ thống trạm cân tải trọng xe hiện đại gắn liền với quy hoạch hệ thống đường bộ, trong đó sự phối hợp liên hoàn giữa các trạm được ưu tiên hàng đầu.

Bên cạnh đó, đề xuất Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, ban hành bổ sung thêm các quy định, chế tài để buộc các doanh nghiệp vận tải phải tự kiểm tra tải trọng tại nơi xuất phát, giao nhận hàng (nguồn hàng). Khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện xe chở quá tải thì sẽ căn cứ vào phiếu vận chuyển để xác định lỗi vi phạm thuộc về lái xe, doanh nghiệp hay chủ sở hữu phương tiện. Việc xử lý xe quá tải ngay từ nơi xuất phát sẽ góp phần giảm nhẹ khối lượng công việc và tính hiệu quả của các trạm cân.

Cục Đường bộ Việt Nam cũng đề xuất tăng thu phụ phí xe tải nặng, nhằm tăng thêm nguồn ngân sách phục vụ cho việc bảo dưỡng, duy tu, sửa chữa đường bộ, đồng thời tăng ý thức trách nhiệm cho các chủ xe.

Cục Phó Cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đánh giá: "Tình trạng xe chở quá tải gấp 2-3 lần quy định hiện nay là một trong những nguyên nhân chính gây hư hỏng nặng các tuyến đường, kế hoạch bảo trì đường bộ định kỳ hàng năm cũng không thể chạy theo kịp tốc độ xuống cấp do số lượng xe tải trọng lớn gia tăng, nhưng khó kiểm soát gây ra. Vì vậy, việc khôi phục trạm cân để giữ đường và bảo đảm an toàn giao thông là hết sức cấp bách hiện nay"./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục