Báo Vatican bán chạy

Báo Vatican bán chạy sau khi Giáo hoàng từ chức

Trong khi có nhiều bài báo về các vấn đề văn hóa và xã hội đương đại, tờ báo vẫn đóng vai trò cơ quan ngôn luận của Vatican.
Với việc Giáo hoàng Benedict XVI thông báo kế hoạch từ chức đã gây chấn động trên khắp thế giới, tờ nhật báo L'Osservatore Romano của Vatican giờ đã trở thành tờ báo được nhiều người quan tâm nhất ở Rome, bởi sự pha trộn của nó giữa vai trò ngôn luận chính thức của Vatican và vẻ ngoài hiện đại. Tờ báo đã bán rất chạy trong vòng vài giờ sau khi Giáo hoàng ra thông báo từ chức hồi tuần trước. Một bài báo đăng trên tờ này nói rằng Giáo hoàng đã ra quyết định trong một chuyến đi đầy mệt mỏi tới Mexico và Cuba hồi năm ngoái. Bài báo được ký tên tác giả đơn giản là "gmv" - những chữ viết tắt đầu tiên của Giovanni Maria Vian - một sử gia 60 tuổi đã nắm ghế Tổng biên tập báo kể từ năm 2007 và là một trong những người ca tụng Benedict nhiệt tình nhất. Trong khi có nhiều bài báo về các vấn đề văn hóa và xã hội đương đại, tờ báo vẫn đóng vai trò cơ quan ngôn luận của Vatican. Tờ báo độc đáo này đã sống sót qua quá trình hợp nhất với Italy trong thế kỷ 19, dưới chính quyền phát xít và 2 cuộc Chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20. Nó mới ăn mừng 150 năm thành lập trong năm 2011. Kể từ khi Vian nắm quyền hồi năm 2007, báo đã bí mật tiến hành đổi mới và được khuyến khích bởi một vị Giáo hoàng đặc biệt quan tâm tới truyền thông đại chúng. "Mọi ngày, chúng tôi đều nhắm tới việc bảo vệ nét riêng của mình trong khi vẫn cố gắng tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn của một tờ báo thông thường như sử dụng ngôn ngữ đơn giản để ai cũng hiểu được" - Vian nói với AFP. Tổng biên tập tờ báo nói chuyện với phóng viên trong một căn phòng với các hình trang trí trích ra từ các cuốn truyện tranh Tintin mang tựa đề "The Black Island" và "King Ottokar's Sceptre". Vian nói rằng Tintin là một "anh hùng Thiên Chúa giáo". Ẩn sâu trong các bức tường của Vatican, ngoài việc cho ra đời ấn bản bản nhật báo, tờ báo còn có một ấn bản tuần báo sử dụng 8 thứ tiếng, trong đó có Malayalam, thứ ngôn ngữ được người Thiên Chúa giáo sống ở bang Kerala, Nam Ấn Độ, sử dụng. Kể từ năm ngoái, tờ báo còn có nguyệt san dành cho phụ nữ mang tựa đề "Women, Church, World" (Phụ nữ, Nhà thờ, Thế giới). Các bản tin về Italy, thường rất dài, nay đã được cắt gọn và pha trộn với các tin tức quốc tế. Tờ báo còn xuất bản các bài đánh giá gây tranh cãi về các cuốn sách, các bộ phim, cũng như các chuyên luận lịch sử có sức nặng liên quan tới 2.000 năm lịch sử của Thiên Chúa giáo. Một trong những cuộc tranh luận được ưa thích của tờ báo là về vai trò của Giáo hoàng Pius XII trong Thế chiến thứ hai và thái độ của ông với người Do Thái bị phát xít Đức khủng bố. "Khi chúng ta bàn tới một số vấn đề xã hội, các bạn có thể xem quan điểm của chúng tôi giống như quan điểm của Giáo hoàng" - Vian nói. Nhưng ông cho biết điều này không áp dụng cho những bài viết liên quan tới phim James Bond mới nhất hay về ban nhạc Beatles. Tờ báo gần đây đã đưa tin nhiều về làn sóng phản đối việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Pháp, dựa trên các bình luận của các nhà triết học, khoa học xã hội, tâm lý học. Một phóng viên của báo là sử gia Lucetta Scaraffia, người tự mô tả mình là "một nhà đấu tranh vì nữ quyền" đã chiến đấu vì vai trò không được công nhận của phụ nữ trong Thiên Chúa giáo. Trong phần phụ lục về phụ nữ đăng tại số báo mới nhất, bà viết rằng "tiếng nói của phụ nữ" sẽ cho phép người ta hiểu kỹ hơn về Chúa.
Báo Vatican bán chạy sau khi Giáo hoàng từ chức ảnh 1
Tờ l'Osservatore đăng tin Giáo hoàng từ nhiệm (Nguồn: AFP)
Bà đã viết các bài báo về những người phụ nữ bị Thiên Chúa giáo khủng bố, như bà Margherite Porete ở Pháp, người đã bị đưa lên giàn thiêu trong thế kỷ 14. Bà nói rằng bản thân cảm thấy "rất tự do trong việc nói về tất cả những suy tư của mình" trên tờ báo. Bà chỉ phải tuân thủ một điều kiện là bảo vệ an ninh của các cộng đồng Thiên Chúa giáo, bằng cách tránh đụng tới các vấn đề nhạy cảm có thể gây căng thẳng tôn giáo ở một số quốc gia./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục