Bảo vệ lợi ích của nông dân trong vụ kiện Vedan

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định hội luôn sát cánh bảo vệ lợi ích của nông dân trong vụ kiện Vedan.
Trao đổi về vụ chuẩn bị khởi kiện Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam ra tòa của nông dân các tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15/7, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường khẳng định hội luôn sát cánh bảo vệ lợi ích chính đáng của nông dân.

Ông Nguyễn Quốc Cường cho rằng sau khi ba tỉnh đã thống nhất khởi kiện Vedan ra tòa nhưng đến phút chót, phần lớn nông dân tỉnh Đồng Nai (địa phương có tới 5.064 hộ bị ảnh hưởng) lại không thông qua chỉ vì lý do thiếu hóa đơn, chứng từ là điều rất khó hiểu và rất đáng tiếc.

"Không phải chỉ có hóa đơn chứng từ mới là chứng cứ duy nhất. Các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền của ngành tài nguyên-môi trường, bằng phương pháp khoa học, bằng các căn cứ có thể xác định được diện tích, phạm vi và tỷ lệ bị ảnh hưởng. Đó là căn cứ rất xác đáng. Từ sự việc này, các cấp hội cần xem xét, rút kinh nghiệm trong việc đại diện quyền và lợi ích chính đáng thật sự của nông dân," ông Cường khẳng định.

Liên quan đến hành vi gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Thị Vải của Công ty Vedan, trong một năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các sở, ban, ngành tiến hành thống kê, đánh giá thiệt hại về kinh tế và môi trường của nông dân theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đến nay việc thống kê, thẩm tra, xác minh thiệt hại của nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành.

Kết quả tổng hợp thiệt hại của 1.255 hộ dân trong phạm vi ô nhiễm do Công ty Vedan gây ra trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là trên 216,8 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh với 839 hộ dân và giá trị thiệt hại là gần 107,3 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh thiệt hại của nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh và kết quả đánh giá khoa học, thực tiễn của Viện Môi trường và Tài nguyên thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan khoa học, quản lý có liên quan; sự thống nhất về tỷ lệ phần trăm gây ô nhiễm các khu vực giữa Viện Môi trường và Tài nguyên với Công ty Vedan, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chính thức yêu cầu Công ty Vedan bồi thường thiệt hại cho nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là 53,6 tỷ đồng và Thành phố Hồ Chí Minh là 45,7 tỷ đồng.

Riêng Đồng Nai, sau khi có công văn "nhắc nhở" của Hội Nông dân Việt Nam, đến ngày 21/6, tỉnh này mới có công văn gửi Công ty Vedan và mới chỉ xác định được con số thiệt hại theo đánh giá của Viện Tài nguyên và Môi trường là gần 120 tỷ đồng nhưng lại chưa đưa ra được số hộ bị ảnh hưởng.

"Trung ương Hội theo dõi rất sát vụ việc này. Hiện Hội Nông dân Việt Nam đã giao cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nông dân làm việc với đoàn luật sư thành phố Hà Nội chuẩn bị các căn cứ, thủ tục và các điều kiện, sẵn sàng cung cấp hồ sơ nếu tòa án hoặc địa phương có yêu cầu để đại diện cho nông dân tham gia tranh tụng tại tòa," ông Cường cho hay.

Trung ương Hội đã chỉ đạo Hội Nông dân Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn, giúp đỡ nông dân làm các thủ tục, nộp đơn xin giảm, miễn án phí...

Đối với Đồng Nai, hội đã có công văn đề nghị cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ hội và nông dân thương lượng với Vedan để đưa ra mức bồi thường hợp lý.

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thống cho biết ngày 27/7, tỉnh này sẽ chính thức khởi kiện Vedan ra tòa.

Hội Nông dân tỉnh sẽ đứng ra ứng án phí cho nông dân và 30 luật sư sẽ tham gia bảo vệ quyền lợi cho nông dân.

Mức thiệt hại mà 1.255 hộ dân Bà Rịa-Vũng Tàu yêu cầu Vedan bồi thường là 216 tỷ đồng.

Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, nông dân huyện Cần Giờ đã ủy quyền cho Chủ tịch Hội Nông dân huyện đứng ra khởi kiện Vedan với mức bồi thường là 107 tỷ đồng./.

Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục