Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy

Ngày 29/11, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức hội nghị lần thứ 5 tại tỉnh Ninh Bình.
Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy ảnh 1Thanh niên tình nguyện thu gom xử lý rác thải trên tuyến hành lang thoát nước dọc hai bờ sông Nhuệ. (Ảnh: Đình Trân/TTXVN)

Ngày 29/11, Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã tổ chức hội nghị lần thứ 5 tại tỉnh Ninh Bình.

Hội nghị nhằm nâng cao nhận thức của các địa phương có liên quan cùng chung tay, góp sức bảo vệ môi trường, coi đây là nội dung quan trọng, không thể tách rời trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy nhấn mạnh, đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57, ngày 31/8/2008. Trong nhiệm kỳ thứ nhất (giai đoạn 2009 - 2012), với nỗ lực của các bộ, ngành cùng các địa phương trên lưu vực, việc triển khai đề án đã đạt được một số kết quả bước đầu. Nhận thức của các địa phương về trách nhiệm bảo vệ môi trường được nâng lên. Nhiều chương trình hành động được triển khai đã từng bước làm giảm ô nhiễm môi trường nước. Hệ thống quan trắc và giám sát môi trường được đầu tư đồng bộ. Từ công tác thanh, kiểm tra đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng môi trường nước lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy vẫn chưa đạt so với yêu cầu đề ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt tại hai tỉnh Hà Nam và Ninh Bình.

Việc điều tra, thống kê và cập nhật các nguồn thải, lên danh mục các "điểm nóng" gây ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin về các dữ liệu môi trường chưa được thực hiện thường xuyên. Việc huy động các nguồn lực tài chính cho công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập đã dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý ở một số địa phương trong vùng.

Nhằm triển khai hiệu quả đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy giai đoạn 2013 - 2015, ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đề nghị, các địa phương cần bố trí kinh phí thỏa đáng để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình xử lý nước thải, chất thải tại các khu đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp đi đôi với tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân sinh sống trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

Thành phố Hà Nội cùng các tỉnh Hòa Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình sớm hoàn thiện đề án thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nguồn thải, chia sẻ thông tin phục vụ kịp thời cho công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường phân bổ, sử dụng nguồn kinh phí chi từ nguồn 1% sự nghiệp môi trường.

Bên cạnh đó huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương kết hợp với nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho các công trình xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường tại các làng nghề; thu gom, xử lý nước thải từ các đô thị loại II trở lên; cải thiện và phục hồi môi trường ở một số khu vực bị ô nhiễm đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp các tỉnh, thành phố thực hiện các dự án nạo vét, chỉnh trang, sửa chữa và nâng cấp hệ thống đê, cống, trạm bơm phục vụ công tác tiêu thoát nước, giảm thiểu tác hại trong mùa mưa, bão, lụt.

Theo Văn phòng Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, trong năm 2013, các địa phương gồm thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Nam, tỉnh Nam Định, tỉnh Ninh Bình đã ban hành 23 văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện và đưa vào sử dụng nhiều công trình, cụm dây chuyền xử lý chất thải rắn và các loại rác thải y tế, đô thị, sinh hoạt.

Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường đã khám phá, xử lý 21 vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường. Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường tại thành phố Hà Nội và các tỉnh Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình đã xử lý 58 vụ việc vi phạm, phạt hành chính 3 tỷ đồng.

Đến tháng 11/2013, trên toàn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã có 37/43 cơ sở được chứng nhận đã hoàn thành việc xử lý triệt để ô nhiễm môi trường sinh thái./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục