Bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm ở nước ngoài

Nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách cụ thể hơn đối với nữ giới để khi đi làm việc ở nước ngoài, họ thu được lợi ích tối đa.
Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Hội thảo “Đối thoại Chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài.”

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ thông tin về tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các chính sách, pháp luật hiện hành đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài; trao đổi, đề xuất những khuyến nghị đối với các cơ quan có liên quan nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của nữ lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tháng 12/2009, Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp với UN Women thực hiện Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trong 3 năm thực hiện, Dự án đã tập trung thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về bình đẳng giới, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Dự án đã tổ chức nghiên cứu tình hình lao động nữ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, báo cáo rà soát các chính sách, pháp luật Việt Nam về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo góc độ giới với mục đích tìm ra những khoảng trống nhằm đề xuất các chính sách, khuyến nghị trong việc xây dựng, sửa đổi chính sách để bảo đảm tốt hơn nữa bình đẳng giới, bảo vệ quyền cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài.

Dự án cũng đang tiến hành xây dựng một chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài mang tính nhạy cảm giới.

Hội thảo nhận định phụ nữ là đối tượng cần được chú ý khi đưa họ đi làm việc ở nước ngoài do đặc điểm khác biệt về giới. Vì những khác biệt này, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài dễ bị tổn thương hơn nam giới, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão...

Kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và sử dụng tiền tiết kiệm, ngoại hối như họ mong muốn và việc giải quyết các vấn đề gia đình liên quan khi họ đi lao động ở nước ngoài là những vấn đề quan trọng, cần có chính sách bồi dưỡng, nâng cao nhận thức.

Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã cử cán bộ nữ sang quản lý lao động, kịp thời giải quyết được các vấn đề có liên quan đến quyền, nhu cầu chính đáng của lao động nữ...

Tuy nhiên, hội thảo cũng cho rằng mặc dù Việt Nam đã xây dựng Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã khá đầy đủ về bảo vệ người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nhưng các văn bản pháp luật này chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới.

Bên cạnh đó, nhiều cán bộ quản lý lao động ở nước ngoài còn thiếu kinh nghiệm, có trường hợp doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thông báo cho cơ quan ngoại giao, không cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên hệ của ban quản lý lao động và cơ quan ngoại giao để người lao động có thể liên lạc, đề nghị hỗ trợ khi cần thiết. Nhiều lao động nữ cũng chưa quan tâm đến việc cần có các thông tin này...

Để việc bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai tốt, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần có chính sách cụ thể hơn đối với nữ giới để khi đi làm việc ở nước ngoài, họ thu được lợi ích tối đa.

Việc sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần xem xét yếu tố nữ giới. Công tác tư vấn, đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần được chú trọng hơn đến đối tượng nữ giới./.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục