Bắt đầu xét xử chín bị cáo trong vụ án tại Vinashin

TAND thành phố Hải Phòng mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử công khai 9 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng ở Vinashin.
Sáng 27/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử công khai vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Hội đồng xét xử gồm 7 vị do Thẩm phán Trần Văn Nhiên - Chánh Tòa kinh tế, Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng làm Chủ tọa phiên tòa.

Chín bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa gồm : Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vinashin; Trần Văn Liêm, nguyên Trưởng ban Kiểm soát tập đoàn , nguyên Giám đốc Công ty Viễn Dương; Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin; Trịnh Thị Hậu, nguyên Tổng giám đốc tài chính Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Công nghiệp tàu thủy Vinashin (VFC); Đỗ Đình Côn, nguyên kế toán trưởng, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh Vinashin; Tô Nghiêm, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển khu kinh tế Hải Hà; Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị C ông ty C ổ phần đầu tư Cửu Long; Hoàng Gia Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Công ty VFC, G iám đốc Công ty cho thuê tài chính Công nghiệp tàu thủy và Trần Quang Vũ, nguyên TGĐ Tập đoàn Vinashin, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu.

Các bị cáo đều bị truy tố theo quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

18 Luật sư có mặt tại phiên tòa tham gia bào chữa cho 9 bị cáo. Phiên tòa có sự tham dự của 5 nguyên đơn dân sự; 15 người làm chứng và 7 Giám định viên. Một số cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước cũng đã tới dự và đưa tin về phiên tòa.

Trong buổi xét xử đầu tiên, Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm tra căn cước những người có mặt tại phiên tòa; giải thích quyền, nghĩa vụ của các bị cáo, nguyên đơn dân sự. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hải Phòng, thừa ủy quyền của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã tuyên đọc Cáo trạng truy tố các bị cáo.

Theo Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 94/TTg ngày 07/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15/5/2006 Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 103/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hình thành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tập đoàn Vinashin) và Quyết định số 104/2006/QĐ/TTg thành lập Công ty và các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Tập đoàn Vinashin có trụ sở tại số 172 phố Ngọc Khánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội và được tổ chức hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, với định hướng phát triển kinh doanh đa ngành, trong đó công nghiệp đóng mới, sửa chữa tàu thủy và vận tải biển là ngành kinh doanh chính. Cơ cấu tổ chức, quản lý, điều hành của Tập đoàn Vinashin gồm: Hội đồng Quản trị do Phạm Thanh Bình làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc điều hành; các tổng giám đốc chức năng, Kế toán trưởng và các ban giúp việc cho Hội đồng Quản trị và tổng giám đốc.

Tập đoàn có 7 đơn vị trực thuộc, 8 Tổng công ty và 7 công ty con do Tập đoàn Vinashin nắm giữ 100% vốn điều lệ; 26 Công ty do Tập đoàn Vinashin nắm giữ trên 50% vốn điều lệ; 11 công ty liên kết do Tập đoàn Vinashin nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ; 6 đơn vị sự nghiệp, tổng số là 65 đơn vị thành viên; đến 2009 phát triển thành 298 đơn vị thành viên.

Cáo trạng nêu rõ, trong quá trình hoạt động, Phạm Thanh Bình và một số cá nhân của Tập đoàn Vinashin đã không tuân thủ quy định của pháp luật, không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước trong việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn Nhà nước, trong đó có các Dự án đầu tư mua tàu Hoa Sen; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng-Nam Định; Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân-Quảng Ninh; Việc bán bỏ tàu Bạch Đằng Giang ở Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu - Hải Phòng và Dự án đầu tư thuê mua tài chính tàu Bình Định Star.

Ngay sau đó, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi, thẩm vấn để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 4 ngày, từ 27-30/3 năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục