Bất đồng xung quanh giải pháp cho tình hình Libya

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang xem xét khả năng dùng giải pháp quân sự đối với Libya thì Đức phản đối sự can thiệp này.
Trong bối cảnh các cường quốc phương Tây đang xem xét khả năng dùng giải pháp quân sự đối với Libya cũng như kế hoạch lập vùng cấm bay tại quốc gia này, Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle ngày 3/3 tuyên bố, Đức phản đối mọi sự can thiệp quân sự của nước ngoài ở Libya.

Phát biểu tại cuộc gặp của ngoại trưởng các nước Trung Âu tại Slovakia, ông Westerwelle khẳng định sẽ không tham gia và cũng không thảo luận về can thiệp quân sự vì cho rằng biện pháp này sẽ phản tác dụng. Thay vào đó, ông đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm gây sức ép để nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi  từ chức.

Về kế hoạch lập vùng cấm bay tại Libya, ông Westerwelle cũng cho rằng chưa đủ điều kiện để quyết định việc này.

Trái với quan điểm của Đức, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe cho biết, Anh và Pháp ủng hộ ý tưởng lập vùng cấm bay ở Libya.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung với ông Juppe tại Paris sau khi thảo luận về vấn đề này, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết, hiện Anh và Pháp muốn thực hiện các biện pháp "mạnh bạo" và có ý định đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp của Liên minh châu Âu (EU) về tình hình Libya vào tuần tới.

Tại Washington, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, Mỹ đang xem xét "mọi lựa chọn" đối với Libya, bao gồm việc lập vùng cấm bay ở nước này.

Tổng thống Mỹ cũng xác nhận đã cho phép quân đội Mỹ sử dụng máy bay quân sự để hỗ trợ đưa người tỵ nạn ra khỏi Libya và điều động một số đơn vị đến biên giới Libya để hỗ trợ điều phối các hoạt động viện trợ nhân đạo.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Libya "đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến." Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng nhất của một nhà lãnh đạo thế giới về tình hình hiện nay ở Libya.

Trung Quốc nhấn mạnh cần phải tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Libya và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải là nơi đưa ra quyết định về các động thái quốc tế trong tương lai đối với quốc gia Bắc Phi này.

Tại Libya, lực lượng nổi dậy đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Venezuela Hugo Chavez về trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Libya.

Trong cuộc điện đàm với ông Gaddafi ngày 3/3, Tổng thống Chavez đề xuất thành lập một ủy ban hòa bình gồm đại diện các nước khu vực Mỹ Latin, châu Âu và Trung Đông nhằm đi đến một giải pháp thông qua thương lượng để tránh xảy ra nội chiến ở Libya.

Nhà lãnh đạo Libya đã nhất trí với đề xuất trên. Tuy nhiên, người phát ngôn của Hội đồng dân tộc tuyên bố không bao giờ đàm phán với ông Gaddafi.

Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa cho biết, AL đang nghiên cứu kỹ đề nghị của Venezuela, trong khi Mỹ và Pháp đã bác bỏ.

Cùng ngày 3/3, Liên minh châu Âu (EU) công bố danh sách 26 quan chức chính phủ Libya và người thân của ông Gaddafi bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản.

Tuần trước, Liên hợp quốc cũng áp đặt lệnh cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với ông Gaddafi cùng 15 quan chức trong chính quyền Libya.

Các nước thành viên EU, đứng đầu là Pháp, hiện đang xem xét gói biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty của Libya. Một nguồn tin ngoại giao của EU cho biết, gói biện pháp này không bao gồm các công ty dầu mỏ và khí đốt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục