Bắt giữ gần 3 tấn lợn chết chuẩn bị đem đi tiêu thụ

Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã bắt giữ một xe hàng chở khoảng 420kg lợn chết và 3 kg nội tạng đang lưu thông trên đường.

Ngày 13/6, Đội quản lý thị trường số 26 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp cùng Phòng Cảng sát môi trường, PC49 (Công an Hà Nội) đã bắt giữ một xe hàng chở khoảng 420kg lợn chết và 3kg nội tạng đang lưu thông trên đường.

Số hàng trên được vận chuyển trên ôtô tải mang biển số 29C-053.60 do Nguyễn Tuấn Anh, sinh năm 1990 điều khiển. Tại thời điểm kiểm tra, ôtô này đang dừng đỗ trên tuyến quốc lộ 6, đoạn qua Ba La, Hà Đông để chuẩn bị đưa hàng vào các quận nội thành tiêu thụ.

Mở rộng kiểm tra tại kho đông lạnh, xóm Mới thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, lực lượng chức năng còn thu giữ trên 2,5 tấn lợn chết đang bốc mùi hôi thối khó chịu, chảy nhiều nước và ruồi nhặng bâu đầy.

Theo ông Trịnh Bá Quang, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 26, thì việc khai nhận của chủ hàng chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trên và các cán bộ chức năng sẽ phải tiến hành kiểm đếm thực tế.

Bước đầu, chủ cơ sở là ông Nguyễn Bá Trọng khai nhận, số hàng trên được mua gom từ các hộ trên địa bàn, chủ yếu là lợn dịch bệnh sau đó tẩm ướp hóa chất và giao đến các cơ sở chế biến trong nội thành.

Ngay sau đó, một mũi liên ngành thứ hai đã tiến hành kiểm tra cơ sở thực phẩm Long Bình, địa chỉ 209 Nguyễn Khoái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tại tầng ba của căn hộ này, một dây chuyền sản xuất mắm tép chưng, ruốc khô... đang được vận hành hết công suất.

Dưới nền đất, còn rất nhiều thịt lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được nhân viên tại đây sơ chế, trước khi hô biến thành những sản phẩm nêu trên.

Chủ cơ sở là ông Đào Quang Bình khai nhận, mỗi ngày nhập từ 2-3 tạ thịt lợn do một người giao hàng tên Hải, từ Chương Mỹ chở tới, sau đó chế biến thành các loại như: mắm tép chưng thịt, ruốc khô, thịt bò khô thành phẩm và một số loại gia vị...

"Tất cả số hàng trên đều được đóng gói và dán nhãn mác của cơ sở này và sau đó giao cho nhiều đầu mối tại các chợ trên địa bàn Hà Nội tiêu thụ, trong đó chủ yếu là chợ Đồng Xuân; ngoài ra còn nhiều đầu mối khác tại các tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên...," ông Bình khai nhận.

Đáng lưu ý là tại hiện trường, lực lượng liên ngành còn thu giữ được nhiều nhãn mác được cơ sở này đặt in và được khẳng định là hàng Việt Nam chất lượng cao.

Đội quản lý thị trường số 26 đã lập biên bản, xử lý lái xe và chủ các cơ sở trên theo quy định của pháp luật, sau đó sẽ giao toàn bộ số hàng trên cho Trạm Thú y quận Hà Đông tiêu hủy./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục