Bất ngờ với con số thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra

Bất ngờ với con số thiệt hại sinh mạng do ô nhiễm không khí gây ra

Ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người và gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 85 tỷ USD tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới trong năm 2020.
Bất ngờ với con số thiệt hại sinh mạng do ô nhiễm không khí gây ra ảnh 1Khói mù ô nhiễm bao phủ bầu trời tại New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo tổ chức hoạt động vì môi trường Greenpeace khu vực Đông Nam Á cho biết ô nhiễm không khí đã cướp đi sinh mạng của khoảng 160.000 người và gây thiệt hại kinh tế tổng cộng khoảng 85 tỷ USD tại 5 thành phố đông dân nhất thế giới trong năm 2020.

Giới khoa học kêu gọi các chính phủ hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và đầu tư vào nền kinh tế xanh.

Đó là kết quả nghiên cứu của Greenpeace và công ty công nghệ theo dõi chất lượng không khí IQAir, công bố ngày 17/2, sau khi đo các mức ô nhiễm không khí tại 28 thành phố. 

Số người tử vong vì ô nhiễm không khí nói trên được ghi nhận tại 5 thành phố đông dân nhất, gồm Delhi (Ấn Độ), Mexico City (Mexico), Sao Paulo (Brazil), Thượng Hải (Trung Quốc) và Tokyo (Nhật Bản).

New Delhi là nơi có số ca tử vong cao nhất trong 5 thành phố kể trên với 54.000 ca, tương đương tỷ lệ 1/500 người, do đây là khu vực có mức bụi mịn PM2.5 cao.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo của Nhật Bản là nơi chịu thiệt hại tài chính nặng nề nhất lên tới 43 tỷ USD, với khoảng 40.000 người tử vong. 

[Số ca tử vong do ô nhiễm không khí tại Ấn Độ cao ở mức báo động]

Các thành phố tại châu Á chịu tác động lớn nhất của ô nhiễm không khí. Nguyên nhân chính gồm khí thải từ phương tiện giao thông, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đá, khói bụi từ các công trình xây dựng, lễ hội pháo hoa, các đợt dọn rừng cũng như quá trình đốt rơm rạ, gỗ và rác thải. 

Ông Aidan Farrow, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại phòng thí nghiệm của Greenpeace, thuộc Đại học Exeter (Anh), cho biết thời gian phong tỏa kéo dài vài tháng đã giảm không đáng kể mức ô nhiễm không khí trung bình mà con người phải đối mặt trong dài hạn. 

Các lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn đã khiến giao thông đường bộ và hàng không có nhiều thay đổi, song nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu vẫn phát tán như trước.

Ông Farrow khẳng định đây là vấn đề lớn và cần kết hợp nỗ lực của nhiều ngành công nghiệp để giải quyết.

Ông kêu gọi chính phủ các nước đầu tư nhiều hơn cho các công nghệ làm sạch, phát triển năng lượng tái tạo và phương tiện công cộng chạy bằng điện.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí là rủi ro về môi trường lớn nhất đe dọa sức khỏe người dân trên toàn cầu, khiến hơn 7 triệu người tử vong mỗi năm.

Cứ 10 người thì có 9 người sống trong bầu không khí bị ô nhiễm, dẫn tới việc mắc các bệnh như đột quỵ, ung thư phổi và tim mạch. Tỷ lệ này tương đương với mức ảnh hưởng của thuốc lá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục