Bát Xát mở tour du lịch vùng Ý Tý-chợ phiên Tây Bắc

Huyện Bát Xát đang đẩy mạnh phát triển du lịch dọc tuyến biên giới và nội địa nối với Thác Bạc-Bản Khoang, tạo nên tour du lịch mới.
Theo bà Lý Thị Vinh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát (Lào Cai), huyện đang đẩy mạnh phát triển du lịch dọc theo tuyến biên giới và nội địa nối với khu Thác Bạc-Bản Khoang (huyện Sa Pa), tạo nên tour du lịch mới, kết nối với thành phố Lào Cai thành một vòng cung khép kín, đủ thời gian đi trong một tuần.

Thực tế, những tháng qua, sau khi tuyến đường từ Bản Vược qua Bản Xèo, Mường Hum lên Ý Tý được nâng cấp nhựa hóa thì khách du lịch đến với Bát Xát ngày càng nhiều. Theo thống kê của Phòng Văn hóa-Thể thao-Du lịch huyện, từ đầu năm đến nay đã có gần 1.000 du khách du lịch theo tour Lào Cai-thị trấn Bát Xát-Mường Hum, Ý Tý-Sa Pa và ngược lại; hoặc thành phố Lào Cai-Sa Pa-Thác Bạc-Ý Tý-A Mú Sung-Trịnh Tường và kết thúc ở thị trấn Bát Xát.

Ý Tý thơ mộng và huyền ảo


Một du khách đến từ Nhật Bản thừa nhận, ông từng đi nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng đến Ý Tý, Bát Xát (Lào Cai) ông vẫn ngỡ ngàng trước cảnh đẹp ruộng bậc thang mùa lúa chín tháng Chín, tháng 10 cũng như mùa làm đất gieo cấy tháng Tư, tháng Năm. Vào sâu hơn nữa, qua những đoạn rừng già rợp bóng mát lại thấy bạt ngàn những cây thân thảo mọc kín dưới tán rừng mà người dân địa phương vẫn thường gọi là cây thảo quả - loại cây có giá trị kinh tế rất lớn đối với người vùng cao.

Bất ngờ và thú vị nhất là khi đến bản của người Hà Nhì được ngắm những nếp nhà tường trình nằm san sát bên nhau, trải dài trên triền núi lãng đãng mưa bay, tạo khung cảnh thật thơ mộng và huyền ảo như bức tranh của núi. Ngày nay nhiều gia đình đã dần thay những mái nhà gianh bằng chất liệu Prôximăng, hay tôn đỏ, nhưng nét độc đáo trình tường đất vẫn hấp dẫn những tay săn ảnh khi buổi bình minh lên hoặc hoàng hôn xuống.

Theo các nhà địa lý, xã Ý Tý nằm ở độ cao từ 1.200-1.800m so với mặt nước biển, tổng diện tích gần 22.000ha, chủ yếu là rừng tự nhiên. Những đặc trưng về vị trí địa lý, địa hình, địa chất tạo cho Ý Tý phong phú về thảm thực vật, đa dạng các loại động vật quý hiếm. Theo các nhà nghiên cứu, “kho báu” Ý Tý có nhiều sinh vật cảnh đặc hữu, với hệ thực vật có 452 loài thuộc các nhóm như lấy gỗ, làm thuốc, làm cảnh, cho dầu, cho sợi và 157 loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam, như gấu ngựa, sơn dương, mèo rừng mà nơi khác không có được.

Ở đây, riêng cây thảo quả có hơn 1.000ha trồng dưới tán rừng mang lại giá trị kinh tế cho người dân vùng cao Bát Xát mỗi năm trên 50 tỷ đồng. Do vậy, người dân các xã Ý Tý, Dền Sáng, Trung Lèng Hồ… luôn nâng cao ý thức chăm sóc thảo quả gắn với bảo vệ rừng. Thêm vào đó, “kho báu” nằm ở đầu suối Lũng Pô và sông “Mẹ” (sông Hồng), luôn có ý nghĩa đặc biệt là duy trì và điều tiết nguồn nước cho hệ thống công trình thủy điện Nậm Pung, Mường Hum, Bản Xèo… đồng thời cung cấp lượng nước lớn cho các công trình thủy lợi quan trọng ở vùng hạ lưu của đồng bào Hà Nhì, Mông, Dao, Giáy thâm canh hàng nghìn hécta ngô, lúa  ahi vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhằm quản lý tốt “kho báu”, Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát đã tổ chức ký kết với các hộ dân trong vùng tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ những hộ dân tự nguyện ra khỏi vùng lõi của rừng và tham gia tu bổ bảo vệ, phát triển vốn rừng; xây dựng “Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát” để bảo vệ bền vững Ý Tý nhằm thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái-khám phá rừng nguyên sinh Ý Tý.

Độc đáo chợ Mường Hum

Chợ phiên Mường Hum được coi là một trong những chợ phiên lớn nhất vùng Tây Bắc. Chợ cách trị trấn Bát Xát khoảng 50km, nằm bên dòng suối trong xanh bắt nguồn từ sâu trong thung lũng rừng già Ý Tý thuộc dãy Hoàng Liên. Chỉ là một quãng ngắn chưa đầy 5km, nhưng đoạn suối chảy qua xã Mường Hum có hàng chục thác ghềnh với những phiến đá to, bằng phẳng nổi giữa dòng nước trong xanh.

Mường Hum là trung tâm của cả một vùng tám xã phía Tây Nam của huyện Bát Xát. Cảnh đẹp, nước suối trong, khí hậu quanh năm mát mẻ là lý do mà trước đây Mường Hum được người Pháp chọn làm điểm đóng quân trấn giữ các xã phía Tây huyện Bát Xát và sử dụng rừng già để trồng cây thuốc phiện đầu độc con người. Nay loại cây "chết người" này đã được nhân dân thay thế bằng cây thảo quả.

Sau ngày Lào Cai giải phóng, Mường Hum được xây dựng thành trung tâm cụm xã. Hơn 60 năm đã qua, nhưng nay ở Mường Hum vẫn còn dấu tích của những ngôi nhà Pháp cổ, những căn biệt thự, bể bơi mang dáng dấp kiến trúc phương Tây. Đây cũng là điểm ghi lại chứng tích lịch sử rất đáng tham quan đối với khách du lịch.

Chợ Mường Hum tuy chưa được tôn tạo nâng cấp nhiều như chợ Sa Pa hay chợ phiên Bắc Hà, nhưng lại được xem như một trong những chợ phiên hiếm hoi còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa của một phiên chợ vùng cao với những quán hàng đặc trưng như thắng cố, bánh mật, bánh tẻ, rượu thóc, một khu bày bán hàng thổ cẩm, đồ chạm bạc và các sản vật dùng cho cuộc sống hàng ngày.

Chợ phiên Mường Hum thể hiện tất thảy những sắc thái của các dân tộc thiểu số cùng sinh sống trên mảnh đất này. Chỉ riêng màu sắc trang phục cũng đã đủ làm mê hoặc lòng người. Không ít khách quốc tế đến đây đã được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa để rồi đi từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, đến thích thú và ấn tượng.

Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, trai gái đến chợ Mường Hum không chỉ để trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, tự tình của những nam thanh, nữ tú. Nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Trước đây đi lại khó khăn, nhưng phiên chợ nào của Mường Hum cũng sầm uất, đông vui. Nay đường đã mở liên thông tám xã, nối liền với cả huyện bạn Sa Pa thông ra thành phố Lào Cai, nên tiềm năng du lịch vùng cao Bát Xát bước đầu đã được đánh thức với con số ấn tượng, khách du lịch trong nước và quốc tế tháng sau luôn tăng cao hơn tháng trước. Theo ông Bùi Đức Lợi, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bát Xát, dự kiến năm 2015, Bát Xát sẽ đón lượng khách gấp 10 lần hiện tại.

Để giữ chân du khách lưu lại lâu trên địa bàn, Bát Xát đã có kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với các điểm du lịch, giải quyết tốt vấn đề môi trường nông thôn, đầu tư xây dựng và phát triển dịch vụ ăn, nghỉ, đồ lưu niệm, khơi dậy nét đẹp thuần phong mỹ tục trong đồng bào, đáp ứng ngày càng cao các yêu cầu của du khách./.

Hương Thu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục