Bầu cử đã ngã ngũ nhưng cuộc giằng co quyền lực ở Đức chỉ mới bắt đầu

Theo Reuters, với việc cả hai chính đảng lớn của Đức đều không thể giành thế đa số, nhiều khả năng chính phủ mới sẽ là liên minh gồm 3 đảng, do SPD hoặc lực lượng bảo thủ lãnh đạo.
Bầu cử đã ngã ngũ nhưng cuộc giằng co quyền lực ở Đức chỉ mới bắt đầu ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel và ông Olaf Scholz. (Nguồn: AFP)

Theo Reuters/ AFP/ BBC/ RFI, Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã giành một chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử ngày 26/9, tuyên bố họ có “sứ mệnh sẵn sàng” để lãnh đạo chính phủ lần đầu tiên kể từ năm 2005 và khép lại 16 năm cầm quyền của phe bảo thủ dưới thời Angela Merkel.

Theo số liệu có được, hãng tin ZDF dự đoán SPD có thể giành được 26% số phiếu, cao hơn so với 24,5% mà Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) giành được, song cả hai đều tự tin rằng họ có thể lãnh đạo chính phủ tiếp theo.

Reuters cho rằng với việc cả hai chính đảng lớn đều không thể giành thế đa số và tỏ ra chần chừ với việc lặp lại “đại liên minh” khó xử cách đây 4 năm, nhiều khả năng chính phủ mới sẽ là liên minh gồm 3 đảng, do SPD hoặc lực lượng bảo thủ lãnh đạo.

Việc thành lập một liên minh mới sẽ mất nhiều tháng và nhiều khả năng sẽ có sự tham gia của đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP).

Sự trỗi dậy của SPD phản ánh một xu hướng thiên tả của nước Đức và đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của chính đảng này sau khi giành được 10 điểm % chỉ trong vòng 3 tháng và cải thiện thành tích đạt được trong cuộc bầu cử năm 2017. Ông Scholz, 63 tuổi, sẽ trở thành Thủ tướng SPD thứ tư thời hậu chiến, sau Willy Brandt, Helmut Schmidt và Gerhard Schroeder.

Tuy nhiên, đối thủ bảo thủ Armin Laschet tỏ ý khối này vẫn chưa thỏa hiệp với kết quả, dù những người ủng hộ phe bảo thủ đã có vẻ chấp nhận thua cuộc. Ông Laschet, 60 tuổi, tuyên bố: “Không hẳn chính đảng về nhất sẽ chỉ định thủ tướng… Tôi muốn một chính phủ với sự tham gia của tất cả các đối tác, nơi mọi người đều có vai trò và đóng góp – chứ không phải chỉ là một nơi mà thủ tướng tỏa sáng một mình.”

[Bầu cử Quốc hội Đức: Gay cấn đến phút chót cuộc đua tam mã]

Thực tế Thủ tướng Helmut Schmidt đã lãnh đạo nước Đức vào cuối những năm 1970-1980 trong một liên minh với FDP dù SPD có ít ghế Quốc hội hơn so với khối bảo thủ.

Khoảng trống bà Merkel để lại

Nhật báo Welt bình luận: “Mọi người đều biết: Nếu Laschet thua, di sản của bà Merkel cũng mất… chỉ khi (ông ấy) thắng... CDU mới có thể tự hòa giải với 16 năm cầm quyền của bà Merkel."

Vị thủ tướng kỳ cựu lớn lên ở Đông Đức cộng sản, nổi bật trong một chính đảng với những nhân vật nổi bật trong giới Cơ đốc giáo phương Tây, những người suốt nhiều năm phải miễn cưỡng chấp nhận việc để bà đưa CDU theo hướng trung dung hơn khi bà là nhân tố đảm bảo cho chính đảng này các chiến thắng bầu cử liên tiếp.

Quyết định định mệnh vào năm 2015 là mở cửa biên giới Đức cho người di cư đã vấp phải sự phản đối lớn từ chính nội bộ đảng và các nước EU khác, dẫn đến chuỗi thất bại của CDU trong các cuộc bầu cử khu vực. Thực tế này càng thôi thúc bà tuyên bố vào năm 2018 về kế hoạch từ giã chính trường.

Người kế nhiệm được đích thân bà Merkel lựa chọn, Annegret Kramp-Karrenbauer, đã buộc phải từ bỏ tham vọng chính trị vào đầu năm 2020 sau một vụ bê bối chính trị khu vực liên quan đến đảng cực hữu AfD.

Không còn nhiều lựa chọn, những người bảo thủ cuối cùng đặt hy vọng vào ông Laschet, lãnh đạo CDU vốn không được ủng hộ và được cho là sẽ kế nhiệm bà Merkel. Ông Laschet trở nên nổi bật sau những trận chiến cam go, đầu tiên là ở vị trí lãnh đạo CDU và sau đó là đề cử ứng cử viên thủ tướng cho liên minh bảo thủ trước sự cạnh tranh từ Markus Soeder, chính trị gia có tiếng hơn từ CSU.

Với sự bất mãn kéo dài của phe thua cuộc, một thất bại cho những người bảo thủ có thể sẽ khiến ông Laschet không còn giữ được ghế lãnh đạo CDU và kích động một cuộc tranh giành quyền lực. Tờ RND dự đoán: “Sẽ có một rung chấn, một cuộc đấu đá vị trí lãnh đạo của các nhà lập pháp” và CSU sẽ đổ lỗi cho CDU.

Uy tín của ông Laschet bắt đầu suy giảm sau một loạt sai lầm hồi mùa Hè, trong đó có cả việc bị bắt gặp khi đang nở nụ cười trong lễ tưởng niệm các nạn nhân lũ lụt. Trong khi đó, ông Scholz dần cải thiện vị trí trong các cuộc thăm dò dư luận khi tận dụng sự gần gũi với bà Merkel trên tư cách là Bộ trưởng Tài chính và tránh những sai lầm đáng xấu hổ.

Một loạt cuộc thăm dò đều dự đoán một thất bại nặng nề cho ông Laschet khiến những người bảo thủ phải viện đến tài sản lớn nhất của họ - bà Merkel.

Dù ban đầu tỏ ra khá tách biệt và hạn chế can thiệp vào cuộc bầu cử, bà Merkel sau đó đã phải tham gia các hoạt động tranh cử của ông Laschet và tìm cách hạn chế sự sụt giảm hơn nữa tỷ lệ ủng hộ dành cho ứng cử viên này.

Sau một cuộc vận động quy mô hồi cuối tuần qua tại Munich, bà Merkel đã kêu gọi các cử tri lớn tuổi của đất nước, thúc giục họ ủng hộ phe bảo thủ tiếp tục nắm quyền "để giữ nước Đức ổn định."

Chỉ 24 giờ trước cuộc bỏ phiếu, bà cũng đã vội vã tới Aachen, khu vực bầu cử hầu như không có bất kỳ tiến triển nào theo hướng ủng hộ ông Laschet để tìm cách có được cú hích cuối cùng cho chính trị gia này. Tuy nhiên, tất cả có lẽ đã quá muộn.

Thorsten Faas, làm việc tại Đại học Tự do Berlin, cho rằng những khoảng trống mà bà Merkel để lại càng phản ánh rõ sức mạnh của bà. Ông bình luận: “Người ta thấy rõ rằng khả năng kết hợp (của các bên), cùng nhau tiến về mọi hướng, đều xuất phát từ những động lực của chính bà Merkel và thành quả có được từ những gì bà ấy làm. Bà ấy đã để lại một khoảng trống, trước hết là ở vị trí lãnh đạo đảng, và tiếp theo là vị trí lãnh đạo đất nước.”

Cuộc giằng co chưa ngã ngũ

Hai ông Scholz và Laschet đều cho biết họ muốn hoàn tất một thỏa thuận liên minh trước lễ Giáng sinh. Bà Merkel có kế hoạch từ chức ngay sau cuộc bầu cử, vô hình chung khiến cuộc bỏ phiếu trở thành một sự kiện thay đổi thời đại nhằm định hình tương lai của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Chuyên gia Naz Masraff, làm việc tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Á-Âu, bình luận: “Đức sẽ có một thủ tướng khá yếu, người sẽ phải vật lộn để ủng hộ một cuộc cải tổ tài khóa đầy tham vọng ở cấp độ EU.”

Phóng viên RFI tại Đức Annastasia Becchio phân tích về cục diện cuộc bầu cử: “Dù đảng nào về đầu trong cuộc bầu cử 26/9 cũng đều phải thỏa hiệp được với 1 hoặc 2 đảng khác để thành lập một liên minh. Những tuần qua, SPD với ứng cử viên Olaf Scholz đã dẫn đầu cuộc đua. Dưới con mắt của các cử tri, nhân vật với dáng vẻ giản dị này sẽ có thể đại diện cho tính liên tục và sự ổn định sau khi bà Angela Merkel ra đi.”

Bộ trưởng Tài chính Đức Scholz đã nổi lên trong các cuộc thăm dò dư luận, và được cho là đã tận dụng nhiều sai lầm của các đối thủ ở CDU/CSU và đảng Xanh.

Đối với đảng Xanh, đây là thời điểm quan trọng nhất của họ. Biến đổi khí hậu hiện là vấn đề lớn nhất đối với cử tri Đức và đảng này mới chỉ một lần được hơn 10% phiếu trong một cuộc bầu cử liên bang. Ứng cử viên của họ cho vị trí lãnh đạo đất nước, bà Annalena Baerbock, đã bị mất điểm hồi mùa Hè.

Theo cuộc thăm dò ngẫu nhiên từ những người đổ ra quảng trường Alexanderplatz ở Berlin hồi cuối tuần, dù biến đổi khí hậu là vấn đề được ưu tiên hàng đầu song nhiều người cho rằng các đảng khác cũng có khả năng giải quyết thách thức này chứ không chỉ riêng đảng Xanh.

FDP theo đường lối tự do có thể không đồng thuận với đảng Xanh về nhiều mặt, nhưng về biến đổi khí hậu, họ cũng đang lôi kéo cử tri trẻ. Cả hai đảng đều có cơ hội tốt tham gia chính phủ và cả hai đều có thể là bên chi phối việc ai sẽ lãnh đạo.

Annalena Baerbock cảnh báo người Đức tại một trong những cuộc tranh luận cuối cùng trên truyền hình: “Chính phủ sắp tới là chính phủ cuối cùng còn có thể kịp có tác động tích cực đến cuộc khủng hoảng khí hậu” và đó là lý do đảng Xanh cần phải là một phần của chính phủ đó.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo tự do Christian Lindner không tin rằng nước Đức cần phải đi theo con đường giống đảng Xanh: “Không ai sẽ theo chúng ta khi chúng ta là nhà vô địch thế giới về đạo đức. Nhưng với tư cách là nhà vô địch thế giới về công nghệ, chúng ta có thể cho mọi người thấy một góc nhìn và tạo ra sự phát triển mới.”

Sự chú ý của dư luận hiện chuyển sang các cuộc thảo luận không chính thức và sau đó là các cuộc đàm phán liên minh mang tính chính thức hơn, có thể mất hàng tháng, một quy trình khiến bà Merkel có thể sẽ phải tiếp tục đóng vai trò điều hành đất nước.

Sau một chiến dịch bầu cử tập trung vào các vấn đề trong nước, các đồng minh của Berlin ở châu Âu và xa hơn nữa có thể phải chờ thêm nhiều tháng trước khi có thể xác định xem liệu chính phủ mới của Đức có sẵn sàng tham gia vào các vấn đề ở bên ngoài như những gì họ muốn hay không.

Reuters nhấn mạnh rằng dù liên minh cầm quyền tại Đức sẽ như thế nào, các đối tác và đồng minh của Đức ít nhất cũng cần phải nhớ rằng chủ nghĩa trung dung ôn hòa đang thắng thế trong khi chủ nghĩa dân túy từng thống trị nhiều nước châu Âu đã không thể tạo đột phá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục