Bầu cử Đức: Chờ đợi một liên minh đổi màu

Do có nhiều đảng tranh cử vào Quốc hội nên khó có đảng nào giành được đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ, việc liên danh là không thể tránh khỏi và một liên minh lãnh đạo nước Đức trong 4 năm tới có thể sẽ mang nhiều màu sắc.

Một số "kịch bản" liên danh đã được đưa ra xoay quanh hai trục CDU/CSU và SPD như Đen-Vàng (CDU/CSU - FDP), Đỏ - Đỏ - Xanh (SPD, Cánh tả và đảng Xanh), “liên minh Jamaica” kết hợp Đen - Vàng - Xanh (CDU/CSU - FDP và Đảng Xanh, đúng theo màu cờ của Jamaica) hay liên minh “đèn giao thông” Đỏ - Vàng - Xanh (SPD, FDP và đảng xanh), trong đó Đen - Vàng là "kịch bản" được cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất.

Nước Đức đang bước vào thời điểm sôi động nhất trong năm “siêu bầu cử” với cuộc bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 4 năm mới vào ngày 27/9 tới. Nói “siêu bầu cử” vì năm 2009 ở Đức có bầu tổng thống, bầu đại diện vào Nghị viện châu Âu, bầu cử hội đồng bang ở 4/16 bang, và quan trọng nhất là cuộc bầu cử Quốc hội đang đến gần.

Trong cuộc tổng tuyển cử lần này, vấn đề gây hồi hộp và thu hút sự quan tâm nhất của dư luận Đức và thế giới không phải là đảng nào sẽ thắng cử hay ai sẽ trở thành thủ tướng mới của Đức, mà là một liên minh cầm quyền nào sẽ được hình thành sau ngày 27/9.

Theo các cuộc thăm dò dư luận suốt từ đầu năm cho tới sát ngày bầu cử, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) bảo thủ của đương kim Thủ tướng Angela Merkel đều dẫn trước và luôn bỏ xa đối thủ chính là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả với ứng cử viên tranh chức thủ tướng là Ngoại trưởng Frank Walter Steinmeir ở khoảng cách khá an toàn 10%.

Do vậy, một nhiệm kỳ hai cho bà Merkel gần như là điều tương đối chắc chắn và nếu “Đại liên minh” giữa hai khối lớn nhất CDU/CSU với SPD, vốn cầm quyền ở Đức suốt 4 năm qua, tiếp tục tái hợp thì cũng không có gì đáng nói.

Vấn đề đáng lưu tâm là trong chiến dịch tranh cử vừa qua, bà Merkel đã thẳng thừng tuyên bố sẽ không liên danh với SPD nữa mà muốn “đổi màu”, cần một liên minh cầm quyền với đảng Dân chủ Tự do (FDP). Như vậy, nước Đức sau tổng tuyển cử có thể sẽ phải chứng kiến “cuộc ly dị” của cặp CDU/CSU và SPD. Từ việc này mà rất nhiều "kịch bản" hậu bầu cử đã được đưa ra và các đảng nhỏ bỗng trở nên rất “có giá trị” trong cuộc đua này.

Chạy đua vào trụ sở Quốc hội Đức gồm 598 ghế có 29 chính đảng, nhưng trên thực tế từ trước tới nay là “cuộc đua song mã” giữa hai đảng lớn CDU/CSU và SPD.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này phải kể đến 3 đảng nhỏ khác có khả năng giành được ghế tại Quốc hội (theo quy định là trên 5% phiếu bầu) là FDP, đảng Cánh tả và đảng Xanh. Điều đặc biệt ở Đức là mỗi đảng này mang màu sắc biểu trưng riêng, như biểu tượng của CDU/CSU là màu đen, SPD là màu đỏ, FDP là màu vàng, đảng Cánh tả là màu đỏ và đảng Xanh là màu xanh. Đại liên minh cầm quyền hiện nay thường được gọi là liên minh Đỏ - Đen.
 
Do có nhiều đảng tranh cử vào Quốc hội nên khó có đảng nào giành được đa số tuyệt đối để tự đứng ra thành lập chính phủ, việc liên danh là không thể tránh khỏi và một liên minh lãnh đạo nước Đức trong 4 năm tới có thể sẽ mang nhiều màu sắc. Một số "kịch bản" liên danh đã được đưa ra xoay quanh hai trục CDU/CSU và SPD như Đen-Vàng (CDU/CSU - FDP), Đỏ - Đỏ - Xanh (SPD, Cánh tả và đảng Xanh), “liên minh Jamaica” kết hợp Đen - Vàng - Xanh (CDU/CSU - FDP và Đảng Xanh, đúng theo màu cờ của Jamaica) hay liên minh “đèn giao thông” Đỏ - Vàng - Xanh (SPD, FDP và đảng xanh).

Liên minh cầm quyền Đen - Vàng là "kịch bản" được cho là có nhiều khả năng xảy ra nhất bởi lợi thế vẫn đang nghiêng về hai đảng này (kết quả thăm dò mới nhất cho thấy sự kết hợp của hai đảng này sẽ được khoảng 48% phiếu, đủ giành đa số hơn khối Đỏ-Đỏ-Xanh). Sở dĩ bà Merkel chọn FDP bởi đây là một đối tác truyền thống có quan điểm đồng nhất về nhiều vấn đề và là đảng có thiên hướng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống xã hội hiện nay, chính phủ mới ở Đức thực sự cần những biện pháp mạnh để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng, tiếp tục duy trì vị thế là nền kinh tế đầu tàu trong EU và là nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Kinh tế cũng là một trong những chủ đề tranh cử chính và được xem là vũ khí quan trọng có thể giúp người đàn bà quyền lực nhất thế giới Angela Merkel tái cử.

Đó là tính trường hợp “thuận buồm xuôi gió” khi số ghế của CDU/CSU và FDP cộng vào chiếm quá bán tại Quốc hội. Trong trường hợp chưa đủ, CDU/CSU có thể tìm kiếm thêm sự ủng hộ của các cử tri độc lập hoặc thỏa thuận với Đảng Xanh thành “liên minh Jamaica”. Và đó còn chưa kể khả năng đối thủ SPD, dù thấp phiếu hơn, nhưng lại thỏa thuận được với hai đảng nhỏ thành liên minh Đỏ-Đỏ-Xanh chiếm đa số. Còn liên minh “đèn giao thông” thì chết từ trong trứng nước vì bị FDP bật “đèn đỏ” từ chối tham gia do không có nhiều quan điểm chung với SPD.

Tuy nhiên, các cuộc bầu cử thường chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, nhất là ở Đức khi đến giờ này vẫn còn nhiều cử tri (hơn 20%) chưa quyết định bỏ phiếu cho màu nào. Bất ngờ đã từng xảy ra trong cuộc bầu cử tháng 9/2005, khi đó CDU/CSU giành thắng lợi sít sao so với SPD và dù có liên danh với vài đảng nhỏ cũng không thể đủ đa số trong Quốc hội nên CDU/CSU đành phải khép lại kế hoạch thiết kế trước về một liên minh Đen - Vàng và thay vào đó là một liên minh nằm ngoài dự đoán với SPD. Nhiều nhà phân tích đang đặt câu hỏi liệu cuộc bầu cử năm nay có lặp lại kịch bản như cách đây 4 năm hay không và đây cũng là mối lo ngại của CDU/CSU trước giờ bỏ phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục