Bầu cử EP: Các đảng trung hữu giành thắng lợi

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã kết thúc vào cuối ngày 7/6 sau khi được tiến hành ở tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong 4 ngày qua.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đã kết thúc vào cuối ngày 7/6 sau khi được tiến hành ở tất cả 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong 4 ngày qua.

Theo kết quả sơ bộ được EP công bố vào sáng 8/6 (giờ Việt Nam), trong số 736 ghế được bầu, Đảng Nhân dân châu Âu trung hữu và Dân chủ châu Âu (EPP-ED) giành được 267 - 271 ghế và trở thành lực lượng lớn nhất trong EP.

Đứng thứ hai là nhóm Đảng Xã hội với số ghế từ 157 - 161; tiếp đến là Liên minh Tự do và Dân chủ vì châu Âu (ALDE) được 80 - 82 ghế; nhóm Đảng Xanh và Liên minh Tự do châu Âu được 53 ghế. Số ghế còn lại thuộc nhiều đảng nhỏ khác.

Xu hướng các đảng trung hữu thắng cử được ghi nhận nổi bật ở Đức, Pháp và Italy.

Tại Đức, đảng bảo thủ của đương kim Thủ tướng Angela Merkel đã về thứ nhất, đánh bại các đối thủ trung tả. Đảng UMP cánh hữu của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy giành thắng lợi với 28% phiếu bầu, trong khi phe xã hội chỉ được 16,8%.

Tại Italy, đảng cầm quyền trung hữu của Thủ tướng đang vướng vào nhiều vụ bê bối Silvio Berlusconi cũng giành thắng lợi với 39% phiếu bầu.

Tại Hungary, đảng đối lập trung hữu đã giành chiến thắng vang dội trước Đảng Xã hội cầm quyền và điều này đang đe doạ sự ổn định của chính phủ và các chương trình cải cách ở nước này. Đảng Xã hội của Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates cũng thất bại trước Đảng Dân chủ Xã hội cánh hữu.

Trong khi đó, kết quả bầu cử EP cho thấy một số đảng xã hội cầm quyền như ở Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bị thất bại trước các đảng bảo thủ đối lập.

Giới phân tích cho rằng đây là một thông điệp mạnh mẽ của các cử tri thể hiện sự thất vọng về cách điều hành của giới lãnh đạo 3 nước này trong cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế, vấn đề nhập cư bất hợp pháp...

Tại Anh, Công đảng của Thủ tướng Gordon Brown chỉ được 16% phiếu bầu, về thứ ba sau Đảng Bảo thủ đối lập với 27% phiếu bầu và Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) được 17%. Đáng chú ý, Đảng Nhân dân Anh (BNP), một đảng cực hữu, lần đầu tiên giành được ghế trong EP.

Kết quả này đã giáng thêm một đòn nữa vào Thủ tướng Gordon Brown, người đang chịu sức ép nặng nề từ việc khắc phục khủng hoảng kinh tế và mới đây nhất là vụ bê bối chi tiêu của các nghị sỹ.

Tại Tây Ban Nha, Đảng Nhân dân bảo thủ đối lập giành được trên 42% phiếu bầu, đánh bại Đảng Xã hội cầm quyền của Thủ tướng Jose Luis Rodriguez Zapatero với trên 38% phiếu bầu. Đảng Dân chủ Xã hội Áo cũng chịu thất bại tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Tại Bỉ, ngày 7/6 là ngày các cử tri Bỉ đi bỏ phiếu bầu EP, đồng thời cũng bầu luôn chính quyền địa phương vùng. Theo phân bổ trên đầu dân số, nước Bỉ được bầu 22 đại diện tham gia EP.

Trên thực tế, người dân Bỉ không coi trọng việc bầu Nghị viện châu Âu bằng các cuộc bỏ phiếu bầu chính quyền vùng. Kết quả sơ bộ cho thấy Đảng Xã hội dù uy tín giảm song vẫn dẫn đầu với trên 33% phiếu bầu; tiếp đó là Đảng Phong trào Cải cách và Đảng Xanh.

Tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử EP lần này ở mức thấp kỷ lục là 43% trong số 388 triệu cử tri đủ tư cách của EU, giảm so với trên 45% lần bầu cử trước (năm 2004) và giảm mạnh so với gần 62% của cuộc bầu cử EP đầu tiên năm 1979./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục