Cuộc chiến quyết liệt

Bầu cử Mỹ: Cuộc chiến quyết liệt trên truyền thông

Hai ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ bắt đầu cuộc chiến hạ uy tín nhau trên các phương tiện truyền thông.
Trong một dấu hiệu phản ánh rõ tính chất sống còn của hơn 3 tháng còn lại, tuần qua hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ ở Mỹ đều bắt đầu cuộc chiến hạ thấp uy tín của nhau trong các cuộc vận động tranh cử và trên các phương tiện truyền thông.

Phát biểu trong cuộc vận động tranh cử tại Virginia ngày 14/7, ứng cử viên đảng Dân chủ, đương kim Tổng thống Barack Obama tập trung công kích đối thủ đảng Cộng hòa Mitt Romney, cáo buộc vị cựu Thống đốc 65 tuổi này từng là một chủ doanh nghiệp chỉ muốn xuất khẩu công ăn việc làm của người dân Mỹ ra bên ngoài.

Với khẩu hiệu “Thêm 4 năm nữa”, bài phát biểu của ông Obama cố tô vẽ hình ảnh vị chính khách, triệu phú đại diện này của đảng Cộng hòa là người chỉ biết chăm lo cho lợi ích của những người giầu có và không gần gũi với tầng lớp trung lưu và người dân thường.

Ông Obama hối thúc đối thủ đưa ra câu trả lời rõ ràng về quãng thời gian làm Giám đốc điều hành công ty tư nhân Bain Capital và tại đó ông Romney bị cho là không chỉ chủ trương xuất khẩu công ăn việc làm mà còn sa thải công nhân dưới quyền một cách không thương tiếc.

Ngoài ra, ông Obama phản bác việc ông Romney công kích Nhà Trắng về tình hình kinh tế khó khăn, cho rằng bản thân đối thủ này cũng chưa đưa ra được một kế hoạch kinh tế rõ nét nhằm tạo ra nhiều việc làm hơn cho người dân Mỹ.

Ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng cũng công kích ông Romney về chính sách ngoại giao khi nói rằng vị cựu thống đốc này “thậm chí không có chủ trương đưa ra một lộ trình để rút lính Mỹ ra khỏi chiến trường Afghanistan”.

Đáp lại, nữ phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Romney, bà Andrea Saul, một mặt tiếp tục đòi ông Obama phải xin lỗi về các quảng cáo nói xấu, không đúng về ông Romney, cho rằng các nội dung quảng cáo tiêu cực mà phe ông Obama tung ra ngày càng nhiều là do “uy tín của tổng thống mỗi ngày một thấp hơn”.

Chiến dịch gia tăng công kích lẫn nhau được triển khai đồng thời với việc cả hai ứng cử viên đã và đang dốc tiền mua quảng cáo để thu phục sự ủng hộ của cử tri tại các bang dao động quan trọng.

Các quan chức phụ trách tranh cử cho biết cho tới nay ông Obama đã chi quảng cáo tổng cộng gần 100 triệu USD tại các bang dao động, trong đó riêng cho bang Ohio chiếm tới 20 triệu USD, trong đó có tới ba phần tư là mua các nội dung quảng cáo công kích ông Romney./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục