Bầu cử Mỹ sẽ có tác động về mặt kinh tế như thế nào với châu Á?

Trong khi Mỹ gấp rút chuẩn bị bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11 tới, các quốc gia châu Á đang đặt lên bàn cân những tác động của Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ 2 so với Chính quyền ông Joe Biden.
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse tối 22/10 - giờ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng ở thành phố Nashville, bang Tennesse tối 22/10 - giờ Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhật báo The Australian mới đây đăng bài viết với nhận định rằng trong khi Mỹ gấp rút chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11 tới, các quốc gia châu Á đang đặt lên bàn cân những tác động tiềm năng của Chính quyền ông Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai so với của Chính quyền của ông Joe Biden thuộc đảng Dân chủ.

Trong bối cảnh nguy cơ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng rõ rệt hơn dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nhiều thập kỷ qua, châu Á mong đợi cuộc bầu cử Mỹ sắp tới sẽ giải tỏa bớt tình trạng căng thẳng đang leo thang này.

Tuy nhiên, với việc cả hai ứng cử viên Tổng thống đều cam kết các chính sách cứng rắn với Trung Quốc, chính phủ các nước châu Á hiểu rằng cạnh tranh Mỹ-Trung sẽ không biến mất cho dù ai trở thành ông chủ mới của Nhà Trắng.

Tương lai quan hệ Mỹ-Trung Quốc

Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng mặc dù chính quyền ông Biden có thể làm dịu bớt các căng thẳng, quyết tâm nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác có thể gây áp lực buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chọn phe.

Nhật báo The Australia trích lời ông Malcolm Cook, học giả Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, cho biết thật khó để chỉ ra rạch ròi rằng các quốc gia châu Á sẽ ủng hộ bên nào trong cuộc đua giữa hai ông Trump và Biden.

Ông nói: "Nếu Trung Quốc không tỏ ra quá hung hăng như vậy trong nhiệm kỳ đầu tiên của Chính quyền Tổng thống Trump, tôi không nghĩ rằng sẽ có nhiều sự ủng hộ cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump ở các thủ đô châu Á."

Trong khi đó, cũng có rất ít nhà lãnh đạo châu Á thích thú với sự khó đoán trước của Chính quyền ông Trump và nhiều người còn lo ngại rằng phản ứng thái quá của Nhà Trắng dưới thời ông Trump có thể dẫn đến những căng thẳng ở "sân sau" của họ.

Trong khi đó, sự thúc đẩy gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhằm tìm kiếm địa điểm ở châu Á cho các tên lửa tầm trung của Mỹ cũng đang khiến các đồng minh của nước này lo lắng.

[Chứng khoán châu Á tăng điểm trước thông tin lạc quan về Tổng thống Mỹ]

Ngược lại, có những lo ngại rằng Chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có thể đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia Đông Á bị gạt ra khỏi cuộc chơi, trong khi quyết định của ông Trump trong việc liên tiếp không tham dự cuộc họp giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ và các cuộc thảo luận khác do ASEAN chủ trì đã làm "tổn thương" các nước ASEAN.

Cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak hồi tháng Một với các chính phủ, doanh nghiệp và giới truyền thông Đông Nam Á cho thấy 60% số người được hỏi tin rằng Mỹ sẽ là đối tác chiến lược tốt hơn nếu có sự thay đổi lãnh đạo vào tháng 11 tới.

Trong khi đó, theo nhận xét của một nhà hoạch định chính sách Indonesia, khu vực này dường như có sự đồng thuận rằng rủi ro của tính toán sai lầm hoặc hành động bùng phát do nóng giận tức thời có khả năng xảy ra dưới thời ông Trump hơn là dưới thời ông Biden, người được cho rằng sẽ có ảnh hưởng "xoa dịu" đối với khu vực và ít tấn công Trung Quốc hơn.

Tuy nhiên, theo tờ báo hàng đầu của Australia, mặt tốt của việc Tổng thống Trump không tham gia vào nhiều các cuộc họp của ASEAN là ngay cả khi điều này gây "khó chịu" cho 10 quốc gia thành viên, chủ nghĩa đơn phương của Mỹ cũng đã đem lại sự tự do cho các nước này.

Theo ông Cook, ở một khía cạnh nào đó, Đông Nam Á đã được hưởng lợi từ Chính quyền ông Trump vì Nhà Trắng không có nhiều áp lực thực sự lên các quốc gia này để họ phải tích cực sát cánh với Mỹ chống lại Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia Đông Nam Á đang cố gắng tránh phải đưa ra lựa chọn giữa Mỹ, đối tác an ninh mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho châu Á trong nhiều thập kỷ, và Trung Quốc, hiện là đối tác thương mại chủ yếu của họ.

Tương lai các hiệp định thương mại tự do

Tổng thống Singapore Lý Hiển Long đã tóm tắt tình thế tiến thoái lưỡng nan của khu vực châu Á vào tháng Bảy vừa qua trong bài viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng "mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc khó khăn đang đặt ra những câu hỏi sâu sắc về tương lai của châu Á và hình thái của trật tự quốc tế mới nổi."

Ông nói: "Các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Singapore, đặc biệt lo ngại vì các quốc gia này nằm ở giao điểm lợi ích của các cường quốc lớn và phải tránh bị kẹt ở giữa hoặc bị buộc phải đưa ra những lựa chọn khôn lường. Sự đối đầu giữa hai cường quốc (Mỹ và Trung Quốc) khó có thể kết thúc như Chiến tranh Lạnh đã làm, bằng sự sụp đổ một cách hòa bình của một cường quốc."

Bầu cử Mỹ sẽ có tác động về mặt kinh tế như thế nào với châu Á? ảnh 1Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, theo Phó Giáo sư khoa học chính trị Ja-Ian Chong của Đại học Quốc gia Singapore, các quốc gia ASEAN phần lớn đã hồi phục sau cú sốc ban đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, ngay cả khi mối quan hệ này không dễ dàng như với các Tổng thống Mỹ trước.

Về ông Biden, ông Chong nhận xét, trong khi ông Biden cũng mạnh mẽ phản đối Trung Quốc, vẫn có những lo ngại rằng ông sẽ sử dụng các nhân vật từng phục vụ trong Chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama.

Đáng chú ý, The Australian trích ý kiến của Phó Giáo sư James Crabtree thuộc Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu, cho rằng bất kể ai chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng tới, gần như chắc chắn sẽ có một sự chuyển dịch nghiêm túc hơn các nguồn lực quân sự khỏi Trung Đông sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông nói: "Điều đáng yên tâm đối với các nước châu Á muốn Mỹ tham gia về kinh tế, ngoại giao và quân sự trong khu vực là có vẻ như Mỹ cuối cùng cũng đang thực hiện sự thay đổi này." Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông Biden đang gặp vấn đề về tín nhiệm ở châu Á, bất chấp khả năng chính quyền của ông mang lại "vùng nước yên bình hơn" cho một khu vực.

Theo ông Crabtree, các quốc gia lo ngại nhất về Trung Quốc cũng chính là các quốc gia cảm thấy "thoải mái nhất" về ông Trump. Ông Crabtree phân tích: "Nếu bạn lo lắng về sự ổn định trong khu vực, bạn muốn duy trì sự tham gia của Mỹ.

Ông Biden hứa hẹn sẽ có nhiều cam kết đa phương hơn và đó là điều tích cực, nhưng sau đó mặt tiêu cực là một số nước ASEAN không thích cuộc trao đổi về nhân quyền, dân chủ hóa như dưới thời ông Obama và theo một nghĩa nào đó, các nước ASEAN rất thoải mái với cách mà Mỹ đã hành xử trong bốn năm qua."

Trong khi đó trong lĩnh vực thương mại, vấn đề này cũng chưa thật rõ ràng. Trong một phát biểu gần đây với Hội đồng Đại Tây Dương - một tổ chức tư vấn của Mỹ, Tổng thống Singapore Lý Hiển Long cho biết một trong những điều mà ông hy vọng nhất từ chính quyền tiếp theo của Mỹ là nước này sẽ "tìm cách quay lại" với hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Tuy nhiên, điều này là khó xảy ra, bất kể ai sẽ là người chiến thắng trong tháng tới, do chiến dịch bầu cử của ông Biden ít đề cập đến khả năng có thêm các thỏa thuận thương mại tự do mới trong tương lai gần.

Cả hai ứng cử viên dự kiến sẽ theo đuổi chính sách giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, một động thái mà các quốc gia ASEAN hy vọng sẽ thu hút đầu tư nước ngoài từ các công ty và doanh nghiệp sản xuất Mỹ có trụ sở tại Trung Quốc đang tìm cách rời khỏi đây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục