Bầu cử Myanmar: Khi cơ hội được mở ra cho tất cả

Ngày 1/4, cử tri Myanmar sẽ tới các điểm bỏ phiếu trên cả nước để tham gia cuộc bầu cử bổ sung 45 ghế Quốc hội bị khuyết.

Đây là diễn biến chính đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi kết quả của cuộc bầu cử này được xem là đánh giá thực chất đối với tiến trình cải cách và dân chủ gần đây tại Myanmar cũng như giúp “hâm nóng” mối quan hệ giữa phương Tây với quốc gia Đông Nam Á này.
Ngày 1/4, cử tri Myanmar sẽ tới các điểm bỏ phiếu trên cả nước để tham gia cuộc bầu cử bổ sung 45 ghế Quốc hội bị khuyết.

Đây là diễn biến chính đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng quốc tế, bởi kết quả của cuộc bầu cử này được xem là đánh giá thực chất đối với tiến trình cải cách và dân chủ gần đây tại Myanmar cũng như giúp “hâm nóng” mối quan hệ giữa phương Tây với quốc gia Đông Nam Á này.

Một loạt thay đổi, cải cách chính trị và dân chủ tại Myanmar trong thời gian qua có thể khiến một số nhà phân tích chính trị cảm thấy bất ngờ. Song những chuyển biến này thực chất đều nằm trong lộ trình hòa bình 7 bước đã được chính quyền Myanmar đưa ra từ năm 2003. Theo đó, cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 11/2010 là bước thứ 5. Đến đầu năm 2011, giai đoạn 6 được thực hiện với việc Quốc hội mới được triệu tập.

Những thay đổi đầy tích cực của Myanmar đang nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Myanmar là một thành viên. Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã tới thăm Myanmar hồi tháng Hai vừa qua, sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN quyết định ủng hộ Myanmar đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN vào năm 2014 để tỏ rõ sự ủng hộ đối với tiến trình cải cách của Myanmar, hy vọng các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Myanmar sẽ sớm được dỡ bỏ. Qua đó, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế, tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế.

Để minh chứng cho quyết tâm cải cách của mình, Myanmar đã mời hơn 200 quan sát viên, bao gồm các quan chức ngoại giao, nghị sỹ và phóng viên, đại diện cho tất cả các quốc gia trong khối ASEAN và 6 nước đối tác đối thoại của ASEAN, cũng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Liên hợp quốc tới Myanmar chứng kiến cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung lần này.

[Myanmar cam kết bầu cử công bằng và minh bạch]


Bước chuẩn bị cho tương lai

Theo giới quan sát tại chỗ, trong số 19 đảng phái chính trị tham gia tranh cử vào ngày 1/4, trong đó có 11 đảng cũ và 8 đảng mới thành lập, chỉ có hai đảng được nhận định sẽ giành được nhiều ghế nhất. Đó là đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) tham gia tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử. Với số lượng đảng viên đông đảo (hơn 20 triệu người) và có mạng lưới tổ chức đến tận các cơ sở, USDP được đánh giá là có khả năng giành được nhiều ghế nhất tại cuộc bầu cử lần này.

Thứ hai là đảng đối lập Liên minh Dân tộc vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi. Dù mới được tái lập, nhưng NLD cũng tham gia tranh cử tại 47/48 khu vực bỏ phiếu. Sự tham gia của NLD đối với tiến trình tranh cử lần này cũng nhận được rất nhiều chú ý bởi nó đánh dấu sự trở lại chính trường lần đầu tiên của bà Suu Kyi sau nhiều năm, khi bà ra tranh cử một ghế tại Hạ viện.

Theo các nhà phân tích sở tại, cuộc bầu cử bổ sung này không thể ảnh hưởng tới quyền kiểm soát đa số của USDP tại Quốc hội Myanmar, do số đại biểu được bầu lần này chỉ chiếm khoảng 7% tổng số ghế tại cả Thượng và Hạ viện. Tuy nhiên, cuộc bầu cử này vẫn có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các đảng phái chính trị tại Myanmar. Bởi qua kết quả bầu cử, cả USDP và NLD sẽ có được sự đánh giá đúng đắn nhất về niềm tin của người dân đối với mình, để từ đó có những sách lược hợp lý tiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm 2015.

Đất nước của tiềm năng

Không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với các chính đảng tại Myanmar, có thể nói cuộc bầu cử lần này còn được cộng đồng quốc tế xem như một "sự sát hạch" đối với những cải cách theo hướng dân chủ của nước này. Theo đó, những cải cách dân chủ theo đúng lộ trình 7 bước sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đưa Myanmar vào danh sách những điểm đến tiềm năng cho việc phát triển hoạt động đầu tư và kinh doanh, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á.

Theo nhận định chung của giới phân tích, những nhà đầu tư nước ngoài có trách nhiệm sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cải cách ở Myanmar, không chỉ xét trên khía cạnh tạo công ăn việc làm, mà còn mang tới những kinh nghiệm quý báu trong lĩnh vực quản lý những công nghệ tiên tiến nhất.

Chính phủ Myanmar đã và đang tiếp tục thực hiện những bước cải cách mạnh mẽ để minh chứng cho nhận định trên. Mới đây nhất là chính sách thả nổi tỷ giá hối đoái có kiểm soát, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/4.

Theo nhật báo Ánh sáng mới của Myanmar, mục đích chính của chương trình này là việc thống nhất hệ thống hối đoái phức tạp cũng như từng bước xóa bỏ những rào cản trong giao dịch và thanh khoản quốc tế.

Cùng với dự thảo luật đầu tư mới đang được Quốc hội xem xét, đây sẽ là những quyết định hết sức quan trọng và nằm trong nội dung cải cách cần thiết nhằm tạo nền tảng xây dựng một môi trường có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, mà trong đó dự kiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đảm nhiệm một vai trò lớn.

IMF nhận định với tiến trình cải cách của mình, Myanmar đang "đứng trước một cơ hội lịch sử" để tíến tới giai đoạn cuối cùng trong lộ trình cải cách chính trị. Đó là “xây dựng một Nhà nước hiện đại, phát triển và dân chủ”./.

Việt Hải (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục