Bầu cử ở Mỹ: Obama tiến gần hơn tới chiến thắng

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, càng gần đến ngày bầu cử, ứng cử viên của đảng Dân chủ Barack Obama dường như càng tiến gần hơn đến việc trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ khi chiến dịch tranh cử đã đến hồi kết.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, càng gần đến ngày bầu cử, ứng cử viên của đảng Dân chủ Barack Obama dường như càng tiến gần hơn đến việc trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ khi chiến dịch tranh cử đã đến hồi kết.

Hiện nhiều cử tri không mặn mà với chính sách của chính quyền đảng Cộng hoà đương nhiệm vì kinh tế trong nước ngày càng sa sút và các cuộc chiến tranh hao người tốn của do Mỹ phát động ở Iraq và Afghanistan kéo dài triền miên.

Dù ai thắng cử thì vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ cũng phải lập tức đối phó với những thách thức kinh tế khó khăn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái năm 1929 đến nay. Mặt khác, nhân vật này cũng gần như chắc chắn sẽ phải làm việc với đa số mạnh hơn của đảng Dân chủ trong Quốc hội cũng như các thống đốc bang và cơ quan lập pháp bang.

Trong năm 2008, đảng Cộng hoà đã gặp nhiều bất lợi ngay từ đầu năm: Cử tri không hài lòng với việc đảng này nắm quyền hai nhiệm kỳ liên tiếp. Các yếu tố lớn hơn khác cũng "chống lại" đảng Cộng hoà: Cuộc chiến tranh ở Iraq đã bước sang năm thứ 6 mà chiến thắng vẫn quá xa vời, cuộc khủng hoảng tại Phố Uôn và nền kinh tế đang suy thoái. Vì vậy, cử tri thực sự không còn tin vào chính phủ và muốn có một hướng đi mới.

Trong khi đó, đảng Dân chủ lại tiến lên phía trước để mở rộng quyền lực. Đảng Dân chủ đang hướng tới việc giành được đa số 60 ghế trong số 100 ghế tại Thượng viện (họ đang nắm 51 ghế, kể cả hai ghế của ứng cử viên độc lập). Họ cũng có nhiều khả năng giành thêm hơn 20 ghế tại Hạ viện để tăng tỉ lệ áp đảo đảng Cộng hoà tại Hạ viện (hiện tại đảng Dân chủ nắm 235 ghế và đảng Cộng hoà nắm 199 ghế. Tại các cơ quan lập pháp bang, đảng Dân chủ cũng đang nắm đa số trong hơn một thập kỷ qua, với 55% số ghế và đang cai quản 23 bang trong khi đảng Cộng hoà chỉ lãnh đạo ở 14 bang.

Cho đến thời điểm này, số người ủng hộ đảng Dân chủ trong số khoảng 27 triệu cử tri tại 30 bang đã đi bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu bằng hình thức gửi thư tín (tính đến tối 1/11) nhiều hơn so với những người ủng hộ đảng Cộng hoà. Tại các bang chủ chốt, kết quả thăm dò của hãng Realclearpolitics cho thấy ông Obama  dẫn trước ông John McCain tại bang North Carolina, Virginia, Florida, Ohio, Colorado và Nevada. Về số phiếu đại cử tri, hãng Realclearpolitics cho rằng cặp liên danh Obama  và Biden sẽ giành được 311 phiếu, trong đó có 238 phiếu chắc chắn và 73 phiếu nhiều khả năng sẽ đạt được. Theo luật định, để trở thành Tổng thống Mỹ, ứng cử viên phải giành được ít nhất 270 phiếu đại cử tri.

Dự đoán của nhiều nhà phân tích bầu cử về một chiến thắng của ông Obama  có thể đúng vì họ cho rằng cử tri muốn tạo cơ hội cho một người tương đối trẻ trung (47 tuổi) và mới mẻ trên chính trường nước Mỹ hơn là một chiến binh kỳ cựu của đảng cầm quyền đương nhiệm. Tuy nhiên, với đa số mạnh hơn của đảng Dân chủ trong Quốc hội, nếu thắng cử, ông Obama  vẫn có thể phải đương đầu với cánh tả trong đảng mình khi lãnh đạo một đất nước nghiêng về bảo thủ.

Ngày 4/11 tới đánh dấu một cuộc bầu cử chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ trên nhiều phương diện. Ông Bob Kerrey, cựu thượng nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ nhận định: "Trong cuộc bầu cử này, ứng cử viên thú vị hơn, giới truyền thông mạnh hơn, kỹ thuật tốt hơn, sự tham gia của cử tri tăng đáng kể". Ngay từ đầu, cuộc chiến này đã khác thường vì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1928, không có vị tổng thống hoặc phó tổng thống nào ra tranh cử.

Cuộc đấu trong nội bộ đảng Dân chủ cũng rất gay cấn giữa một thượng nghị sĩ da đen Obama  đến từ Illinois và cựu đệ nhất phu nhân, thượng nghị sĩ bang New York Hillary Clinton. Thượng nghị sĩ 72 tuổi McCain, người từng được biết đến như một người khó tính nhất của đảng Cộng hoà, trở thành ứng cử viên của đảng từ rất sớm. Ông là người đầu tiên của đảng chọn liên danh là nữ, bà Thống đốc bang Alaska Sarah Palin.

Các con số liên quan tới bầu cử năm nay cũng rất đặc biệt, nhất là đối với ông Obama. Hơn 200.000 người đã dự buổi nói chuyện của ông tại Đức trong chuyến đi nước ngoài để thuyết trình về chính sách đối ngoại của mình. Tại Mỹ, số người nghe ông thuyết trình cũng rất ấn tượng: 75.000 người tại Portland, bang Oregon trước khi ông trở thành ứng cử viên của đảng, và hơn 100.000 tại Denver chỉ một tuần trước ngày bầu cử.

Ông Obama  và ông McCain đã chi tổng cộng 1 tỉ USD vào quá trình tranh cử. Ông Obama  là người đầu tiên từ chối khoản tiền dành cho chiến dịch tranh cử lấy từ tiền đóng thuế, lên tới 641 triệu USD. Riêng ông McCain đã thu được hơn 250 triệu USD ủng hộ và nhận 84 triệu USD từ tiền công quỹ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục