Bầu cử QH: Lựa chọn những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn

Ước tính sẽ có khoảng 1.000 ứng cử viên trong ngày bầu cử 23/5 để cử tri trên cả nước lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.
Bầu cử QH: Lựa chọn những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn ảnh 1Cụm pano 3 mặt tuyên truyền, cổ động bầu cử tại ngã 4 ô Đông Mác. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chậm nhất là ngày 28/4/2021, Hội đồng bầu cử quốc gia lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước.

Cho đến nay, trải qua một quy trình 5 bước với 3 vòng hiệp thương chặt chẽ, dân chủ, cẩn trọng, không phân biệt, danh sách và số lượng chính thức các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã hình thành.

Đây là những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn trong ngày bầu cử 23/5 tới. Ước tính sẽ có khoảng 1.000 ứng cử viên để cử tri lựa chọn ra 500 đại biểu Quốc hội khóa XV.

Yêu cầu với việc lập danh sách chính thức người ứng cử

Danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân phải ghi rõ họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú, dân tộc, tôn giáo, trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp, chức vụ, nơi công tác của người ứng cử.

Danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân theo từng đơn vị bầu cử được xếp theo vần chữ cái. Người ứng cử đại biểu Quốc hội chỉ được ghi tên vào danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội ở một đơn vị bầu cử.

Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính nào thì cũng chỉ được ghi tên vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở một đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cấp tương ứng trên địa bàn đơn vị hành chính đó.

Số người trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội/đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 2 người.

[Niềm tự hào và trách nhiệm công dân khi cầm trên tay lá phiếu bầu cử]

Trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng thì Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn để Ủy ban bầu cử các cấp xem xét, quyết định đối với trường hợp khuyết người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử vì lý do bất khả kháng.

Chậm nhất là ngày 3/5/2021, Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải công bố danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Cơ cấu, thành phần các ứng cử viên đại biểu Quốc hội ở Trung ương

Từ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngày 28/3/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1244/NQ-UBTVQH14 điều chỉnh lần thứ hai cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Cụ thể, số lượng ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV ở Trung ương là 205 người. Cơ cấu, thành phần, số lượng người được phân bổ ở từng cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương như sau các cơ quan Đảng là 11 người; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước là 3 người; Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội (đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương): 130 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an) là 15 người; Lực lượng vũ trang là 14 người; Tòa án nhân dân tối cao là 1 người; Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 1 người; Kiểm toán Nhà nước là 1 người; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là 29 người.

Bầu cử QH: Lựa chọn những ứng cử viên ưu tú để cử tri bầu chọn ảnh 2Đồng bào dân tộc Mông xem danh sách cử tri tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được niêm yết tại Nhà văn hóa khu Lân Thùng, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.(Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Trong số 205 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở Trung ương, có 46 người là nữ giới (22,43%); 20 người là dân tộc thiểu số (9,7%); 4 người ngoài Đảng (1,9%); tái cử 100 người (48,78%); trẻ tuổi là 5 người (2,43%); Giáo sư, Phó Giáo sư là 16 (7,8%); Tiến sỹ 63 người (30,7%); Thạc sỹ 94 người (45,85%); Đại học và tương đương 32 người (15,6%).

Đáng chú ý, trong số 205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử có 4 người ngoài Đảng, là các ông Nguyễn Văn Thân (Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ); Nguyễn Tiến Thiện (Thượng tọa Thích Đức Thiện, Hội đồng trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam); Nguyễn Văn Riễn (linh mục, nhà thờ Thánh Giuse, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương); Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội).

Ngày 16/4, Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thông qua danh sách 205 người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Hội đồng bầu cử quốc gia ban hành nghị quyết phân bổ người của các cơ quan Trung ương về ứng cử tại các địa phương, số ứng viên tham gia chỉ còn 203 người, giảm 2 người so với danh sách đã được Hội nghị hiệp thương lần 3 thông qua.

Theo Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH14 dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo nguyên tắc: mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số lượng đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương, bảo đảm tổng số đại biểu Quốc hội dự kiến được bầu là 500 đại biểu; bảo đảm mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất là 6 đại biểu.

Dự kiến phân bổ đại biểu Trung ương ứng cử ở địa phương theo nguyên tắc: Đoàn đại biểu Quốc hội có 6 đại biểu thì có 2 đại biểu Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội có 7 đại biểu thì có 3 đại biểu Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội có 8 đại biểu thì có 3-4 đại biểu Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội có 9 đại biểu thì có 4 đại biểu Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội có 11 đến 14 đại biểu thì có 5-7 đại biểu Trung ương; Đoàn đại biểu Quốc hội có 29-30 đại biểu thì có 14-15 đại biểu Trung ương.

Gấp rút chuẩn bị cho cuộc sát hạch cuối cùng

Theo luật định, ngay sau khi công bố danh sách các ứng viên chính thức, quá trình vận động tranh cử sẽ bắt đầu và kéo dài đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.

Đáng chú ý, trong quá trình vận động tranh cử, các ứng cử viên sẽ được tham gia các hội nghị tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh tổ chức cho người ứng cử đại biểu Quốc hội; và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức cho người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

Có thể nói, đây là đợt sát hạch cuối cùng đối với tất cả các ứng cử viên trước khi cử tri bỏ lá phiếu quyết định ứng cử viên nào sẽ được tín nhiệm trở thành người đại biểu của nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước ở cấp Trung ương đến địa phương.

Để chuẩn bị tốt cho đợt sát hạch quan trọng này, ngay từ bây giờ các ứng cử viên đã phải tập trung, gấp rút lên chương trình hành động cho vận động tranh cử.

Trình bày chương trình hành động dễ hiểu; lắng nghe ý kiến khi tiếp xúc cử tri; chỉ hứa những gì trong thẩm quyền của mình nếu được bầu. Đây là lời nhắn nhủ của các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội khóa trước gửi tới các ứng cử viên khi tham gia các hoạt động vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri tới đây.

Cũng theo các chuyên gia, không có quy định cụ thể về nội dung Chương trình hành động, tuy nhiên để Chương trình hành động có tính thuyết phục, tạo sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri thì cần được xây dựng rõ ràng, thiết thực, hiệu quả, khả thi.

Chương trình không nên dài dòng, cần bám sát quy định của pháp luật về chức năng, thẩm quyền của người đại biểu, đưa ra những vấn đề bản thân có thể thực hiện được trong khả năng của mình trên cương vị là đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Nội dung phải chuyển tải được những yêu cầu, những mong mỏi của cử tri nơi mình ứng cử, đồng thời gắn với những vấn đề nóng, bức xúc chung của cả nước cần phải được giải quyết.

Bên cạnh đó, việc nắm bắt rõ tình hình kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng, đời sống dân sinh ở địa phương nơi tiếp xúc có một ý nghĩa quan trọng đối với các ứng cử viên trong quá trình vận động bầu cử. Kiến thức, thông tin này giúp cho ứng viên xây dựng được chương trình hành động tốt, thể hiện trong nội dung bản thuyết trình tại các cuộc tiếp xúc cử tri, phỏng vấn trên truyền hình, bài viết trên báo chí cũng như các tình huống giải đáp các câu hỏi của cử tri đặt ra trong quá trình vận động bầu cử./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục