Bầu cử Tổng thống Mali: EU kêu gọi minh bạch hơn trong vòng 2

Các quan sát viên Liên minh châu Âu đã kêu gọi chính phủ nước này tăng cường tính minh bạch và đảm bảo việc tiếp cận các điểm bỏ phiếu đối với các cử tri trong vòng 2, dự kiến vào ngày 12/8.
Bầu cử Tổng thống Mali: EU kêu gọi minh bạch hơn trong vòng 2 ảnh 1Cảnh sát gác bên ngoài một địa điểm bầu cử ở Bamako ngày 29/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi vòng 1 bầu cử Tổng thống Mali gặp sự số do xảy ra bạo lực, các quan sát viên Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi chính phủ nước này tăng cường tính minh bạch và đảm bảo việc tiếp cận các điểm bỏ phiếu đối với các cử tri trong vòng 2, dự kiến diễn ra vào 12/8 tới.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, các quan sát viên EU đưa ra lời kêu gọi trên ngày 7/8 sau khi lãnh đạo các phe đối lập ở Mali tổ chức biểu tình tại thủ đô Bamako để tố cáo "sự gian lận" trong vòng bầu cử đầu tiên, diễn ra hôm 29/7 vừa qua.

Trong một tuyên bố, bà Cécile Kyenge, người đứng đầu Phái bộ Quan sát bầu cử của EU tại Mali, nhấn mạnh hiện vòng bầu cử thứ 2 đang đến gần, EU hy vọng giới chức Mali thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền bầu cử cho tất cả các cử tri.


[Bầu cử Tổng thống Mali: Gần 250.000 cử tri không thể bỏ phiếu]

Bà Kyenge cũng bày tỏ sự hài lòng đối với việc Mali công bố danh sách chi tiết 871 điểm bỏ phiếu không thể hoạt động trong vòng 1 vì lí do "an ninh và bạo lực."

Theo đó, gần 246.000 cử tri chủ yếu ở các vùng Mopti và Segou (miền Trung), Timbuktu (miền Bắc) đã không thể thực hiện quyền cử tri của mình.

Trong khi đó, 17 ứng cử viên của phe đối lập đã cùng tham gia vào cuộc biểu tình vào chiều 7/8 ở thủ đô Bamako với sự tham gia của hàng nghìn người ủng hộ nhằm cáo buộc về các hành vi gian lận bầu cử trong vòng 1.

Kết quả bầu cử vòng 1 cho thấy đương kim Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, 73 tuổi, giành được 41,42% số phiếu ủng hộ, vượt xa đối thủ đứng thứ 2 là lãnh đạo phe đối lập Soumaila Cisse, được 17,8% phiếu bầu.

Do không ứng cử viên nào giành được tối thiểu 50% số phiếu ủng hộ, cả hai chính khách này sẽ tiếp tục bước vào cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào cuối tuần này.

An ninh là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tuyển cử tại Mali. Để đảm bảo an ninh bầu cử, hơn 30.000 thành viên của Lực lượng An ninh Mali và nước ngoài đã được huy động.

Tại miền Bắc, các nhóm vũ trang cũng đã ký kết thỏa thuận tham gia đảm bảo an ninh cho các điểm bầu cử.

Tuy nhiên, vòng 1 cuộc bầu cử đã bị gián đoạn do các “cuộc tấn công và hành động bạo lực” tại 4.632 điểm bỏ phiếu (trên tổng số 23.041 điểm trên cả nước)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục