Bầu cử tổng thống Pháp: Cuộc quyết đấu cuối cùng

Cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Nicolas Sarkozy và François Hollande đã kết thúc sau gần 3 giờ.
Cuối cùng, sau nhiều trông đợi của hàng chục triệu cử tri Pháp, cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình Pháp giữa Tổng thống đương nhiệm, ứng cử viên Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và ứng cử viên François Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS) cũng đã kết thúc sau gần 3 giờ tranh luận căng thẳng, quyết liệt, hấp dẫn với nhiều chủ đề tranh cử được đề cập.

Đó thực sự là một trận quyết đấu với nhiều cảm xúc, đặc biệt với những cử tri Pháp đang dõi theo, ủng hộ từng bước đi của hai ứng cử viên tổng thống, cũng là thời điểm rất quan trọng với số cử tri còn do dự, lưỡng lự chưa biết bỏ phiếu cho ai trong ngày bầu cử tổng thống vòng hai 6/5.

Ngay từ đầu, những chuẩn bị cho cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống trên truyền hình đã được êkíp tranh cử của hai phía tranh luận, bàn thảo kỹ lưỡng với êkíp xây dựng chương trình của hai đài truyền hình Pháp TF1 và France 2 cả về nội dung tranh luận lẫn hình thức thể hiện trên trường quay.

Nội dung tranh luận giữa ông Sarkozy và ông Hollande về cơ bản vẫn theo các chủ đề được thống nhất từ trước, từ vấn đề kinh tế, tăng trưởng, việc làm, thâm hụt ngân sách, đến các vấn đề xã hội như vấn đề người nhập cư, an ninh, vấn đề châu Âu, hạt nhân và những nét chính trong chính sách đối ngoại của Pháp.

Về cơ bản, cả hai ứng cử viên đều bám sát các nội dung cương lĩnh tranh cử làm cơ sở cho lập luận của mình và phản biện đối phương, song tính chất cam go, gay cấn của cuộc quyết đấu này đã bị đẩy lên tới đỉnh.

Dù được xem ở vai trò "người thách đấu” với Tổng thống đương nhiệm Sarkozy, và từng bị báo giới đánh giá là yếu hơn ứng cử viên cánh hữu về khả năng hùng biện, tranh luận, song ông Hollande đã bước vào trường quay với một tâm thế khác, bởi hiện ông đang nắm giữ lợi thế giành chiến thắng, dẫn trước đối thủ ít nhất sáu điểm trong kỳ bầu cử tổng thống năm nay theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất.

Tự tin, quyết liệt và tập trung hơn trong suốt các chủ đề tranh luận, trái ngược với những đồn đoán trước đó, ông Hollande đã tỏ ra giữ cân bằng và biết tấn công đối phương đúng lúc.

Với tư cách của một tổng thống đương nhiệm, song với bản tổng kết nhiệm kỳ năm nay không thuyết phục và về thứ hai trong cuộc bầu cử vòng một, chính ông Sarkozy lại đặt mình vào vị trí “người thách đấu” trên thực tế. Là một chính khách nhiều kinh nghiệm trên chính trường Pháp, có khả năng tranh luận tốt, ông Sarkozy vẫn thể hiện được những phẩm chất vốn có trong cuộc tranh luận này.

Duy chỉ có điều sức hấp dẫn và khả năng tạo dựng lòng tin đối với cử tri Pháp của ông giờ đây đã bị suy giảm đáng kể, bởi bản tổng kết nhiệm kỳ khá nặng nề để có thể biện giải mọi điều.

Thể hiện một quyết tâm thay đổi, ông Hollande bày tỏ mong muốn rằng mình sẽ là một tổng thống của công lý và công bằng, một tổng thống với quyết tâm phục hồi tăng trưởng, sản xuất và việc làm, là tổng thống của sự tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhằm gây dựng lại niềm tin cho nước Pháp và người dân. Còn ông Sarkozy bày tỏ sẽ tiếp tục là tổng thống của sự tập hợp mọi người dân Pháp, một tổng thống biết tôn trọng sự thật.

Khi giờ G sắp điểm, dư luận và giới quan sát đều hiểu rằng thực chất cuộc tranh luận trực tiếp giữa ông Sarkozy và ông Hollande không chỉ là cuộc quyết đấu giữa hai ứng cử viên tổng thống nhằm đoạt ghế chủ nhân điện Elysee, mà đó còn là cuộc quyết đấu tả-hữu với quá nhiều duyên nợ và không chút khoan nhượng, vốn đã tồn tại từ lâu trong đời sống chính trị Pháp.

Trong cuộc quyết đấu tay đôi này, ông Sarkozy càng bị đẩy vào tình thế bất lợi hơn khi đảng cánh hữu cầm quyền UMP gần như phải đơn độc chống lại tất cả, toàn bộ cánh tả, cả phái trung dung của ông François Bayrou, và đặc biệt là mưu đồ của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) của bà Marine Le Pen muốn thấy thất bại của ông Sarkozy và UMP trong kỳ bầu cử tổng thống lần này, nhằm tạo lợi thế cho FN đang nung nấu tham vọng lật đổ cánh hữu truyền thống trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng Sáu tới.

Giờ đây, dù hồi cuối còn chưa hạ màn, song trong báo giới và dư luận Pháp đã bắt đầu đề cập đến việc hình thành một chính phủ tương lai với đường lối, sách lược mới để dẫn dắt nước Pháp.

Tên tuổi của những gương mặt hậu trường, những chính trị gia đã tham gia êkíp tranh cử của hai ứng cử viên đâu đó đã được nhắc tới như một sự lựa chọn cho tương lai. Song báo giới Pháp có vẻ như tập trung hơn vào nhân sự trong chính phủ tương lai của ông Hollande, với những bàn luận về chiếc ghế thủ tướng và các cương vị bộ trưởng trọng yếu.

Theo những đồn đoán trong báo giới, tuy không muốn nói ra một cảm xúc buồn, song trong nội các hiện thời của ông Sarkozy đã xuất hiện những trao đổi kín về việc rồi đây sẽ làm gì, chuẩn bị cho tương lai nếu một mai không còn làm việc trong chính phủ nữa.

Cảm xúc buồn vui, những dòng nước mắt và những nụ cười là có thật. Thời khắc quyết định đối với hơn 44 triệu cử tri Pháp đang tới gần. 8 giờ tối 6/5 (giờ địa phương), người dân Pháp và thế giới sẽ biết đến tên chủ nhân điện Elysee trong năm năm tới.

Dù đó là ai, thì một điều chắc chắn rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Pháp cũng sẽ có sự điều chỉnh, ít nhất cũng theo những cam kết trong cương lĩnh tranh cử mà các ứng cử viên đưa ra, nhằm đưa nước Pháp vượt qua những khó khăn nội bộ, vững vàng và cân bằng hơn trên bình diện đối ngoại, tạo cơ sở cho niềm tin của châu Âu và thế giới.

Cử tri Pháp, chủ nhân của những lá phiếu bầu, giới quan sát và nhiều quốc gia đang hồi hộp dõi theo và trông đợi thời khắc quan trọng này, có thể đó sẽ là một trang mới trong nền cộng hòa thứ năm của nước Pháp./.

Trung Dũng/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục