Vẫn phục hồi chậm

Bảy tháng, sản xuất công nghiệp vẫn phục hồi chậm

Chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng tốc độ chậm lại cho thấy doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Theo Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng Bảy tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước (tăng nhẹ so với mức 5,0% của sáu tháng đầu năm).

Tại buổi giao trực tuyến sáng 5/8, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, thách thức lớn nhất là giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào trên thị trường thế giới biến động thất thường.

Theo nhận định của Bộ Công thương, hoạt động sản xuất công nghiệp chỉ tăng nhẹ vì các lý do: Sức cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ngày càng gay gắt, phức tạp; sức mua trong dân giảm nhiều, trong khi lãi suất ngân hàng tuy đã giảm nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được...

Trong các ngành công nghiệp, những sản phẩm có sản lượng tăng cao gồm: điện tăng 8,2%; khí hóa lỏng tăng 11,8%; xăng dầu các loại tăng 28,1%; thép cán tăng 24,5%; quặng apatit tăng 12,3%; xe máy tăng 19,1%; ôtô tăng 13,0%; phân urê tăng 41,3%; xi măng tăng 14,2%...

Tuy nhiên, sản lượng một số mặt hàng giảm như: than khai thác giảm 1,4%; sắt, thép thô giảm 13,6%; phân NPK giảm 1,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 1,9%; vải dệt từ sợi tổng hợp giảm 5,7%; dầu gội và dầu xả giảm 3,9%...

Dẫn báo cáo của Vụ kế hoạch, ông Vỵ cho hay, tính đến thời điểm đầu tháng Bảy, chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước (giảm 0,9 điểm % so với cùng thời điểm tháng Sáu). Cụ thể, sản xuất đường tăng 49,6%; sản xuất bia tăng 33,3%; sản xuất hàng may sẵn tăng 25,5%; sản xuất phân bón và hợp chất nitơ tăng 16,1%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 30,0%...

Những ngành có chỉ số tồn kho giảm nhiều so với năm trước gồm: sản xuất vải dệt thoi giảm 32,3%; may trang phục giảm 1,3%; sản xuất giầy, dép giảm 19,2%; sản xuất xi măng giảm 33,7%; sản xuất linh kiện điện tử giảm 75,2%; sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng giảm 8,8%; sản xuất ôtô giảm 38,1%...

Theo lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tháng Bảy, sản lượng sản xuất và khai thác than giảm mạnh so với tháng trước do đã vào mùa mưa và xuất khẩu gặp khó khăn về giá xuất khẩu. Tính chung 7 tháng ước đạt trên 24,8 triệu tấn, giảm 1,4% so với cùng kỳ. Tồn kho tính đến hết tháng Bảy gần 5,6 triệu tấn than các loại.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải phóng hàng tồn kho, lãnh đạo Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác tốt năng lực sản xuất, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng với giá thấp nhất.

Về phía Bộ Công Thương, cùng với giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại thị trường trong và ngoài nước, Bộ sẽ điều tiết cung cầu linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, tăng cường kiểm soát thị trường, chống hàng nhái, hàng giả hàng kém chất lượng để bảo vệ sản xuất trong nước./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục