Bẽ bàng “đá hóa gỗ”

Bẽ bàng chuyện “đá mặt trăng hóa gỗ” ở Hà Lan

Viên đá lấy từ mặt trăng đáng giá "kho báu" trong Bảo tàng Quốc gia Hà Lan té ra thực tế chỉ là một mẩu gỗ hóa thạch.
Viên đá đáng giá "kho báu" trong Bảo tàng Quốc gia Hà Lan vì "đã được chính tay các phi hành gia Mỹ đi trên chuyến bay Apollo 11 lấy về từ mặt trăng" té ra thực tế chỉ là một mẩu gỗ hóa thạch.

Sự bẽ bàng này đã được phanh phui sau một cuộc nghiên cứu độc lập với nhiều thử nghiệm chi tiết do Hà Lan tiến hành.

Bẽ bàng “đá hóa gỗ”

Viên đá to bằng bao diêm kể trên đã được Đại sứ Mỹ William Middendorf đích thân tặng cho cựu Thủ tướng Hà Lan Willem Drees vào năm 1969, khi tháp tùng 3 phi hành gia của tàu Apollo 11 trong chuyến đi vòng quanh thế giới nhân sự kiện con người lần đầu đặt chân lên mặt trăng.

Thời điểm đó, sự kiện này gây nên ngạc nhiên lớn do khi nhận được viên đá, ông Drees đã rời ghế thủ tướng 11 năm. Ông Middendorf có nói rằng viên đá tới từ đường Bộ Ngoại giao song không tiết lộ gì thêm.

Sau khi Drees qua đời, viên đá được chuyển cho Bảo tàng Quốc gia Hà Lan. “Dường như không ai nghi ngờ về viên đá này do nó từng nằm trong bộ sưu tập của cố Thủ tướng” - bà Xandra Van Gelder, lãnh đạo cuộc điều tra nguồn gốc viên đá nói trên, cho biết. Nghĩ rằng viên đá quý giá, chính phủ Hà Lan đã mua các khoản bảo hiểm lớn cho nó, có lúc lên tới 500.000USD.

Bảo tàng Quốc gia Hà Lan ít khi mang viên đá này ra cho công chúng chiêm ngưỡng do nơi đây chủ yếu trưng bày các tác phẩm nghệ thuật lớn, chẳng hạn như họa phẩm của Rembrandt. Tuy nhiên hồi năm 2006, một chuyên gia không gian sau khi nhìn thấy viên đá đã bày tỏ nghi ngờ rằng liệu Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) có hào phóng quá mức khi đem cho Hà Lan viên đá mặt trăng quý giá, chỉ 3 tháng sau khi tàu Apollo trở về trái đất.

Các nhà địa chất từ Đại học Tự do Amsterdam cũng nói rằng chỉ qua một cái liếc mắt, họ cũng biết viên đá không tới từ mặt trăng.

Nghi hoặc, Bảo tàng Quốc gia Hà Lan đã bốc máy gọi tới NASA để kiểm tra nguồn gốc viên đá. Nhưng phải qua một nghiên cứu độc lập với nhiều thử nghiệm chi tiết, người ta mới thực sự tin rằng viên “đá mặt trăng” này thực tế chỉ là một mẩu gỗ hóa thạch. Theo bà Van Gelder, “mẩu gỗ này chưa đáng giá 50 euro”.

Bảo tàng Quốc gia Hà Lan tuyên bố họ sẽ giữ hòn đá này lại. “Đây là một câu chuyện hay với vài dấu hỏi vẫn còn chưa được trả lời” - bà Van Gelder nói.

Tờ Telegraph của Anh đã tìm gặp ông đại sứ Middendorf và nghe ông này phân trần: “Tôi nhớ rằng ông Drees đã rất thích thú với viên đá nhỏ đó. Nhưng tôi chẳng biết gì về việc nó không phải đồ thật”. Hiện phía Mỹ từ chối giải thích về vụ này. Đây rõ ràng là chuyện chẳng hay ho gì cho NASA và chính phủ Mỹ.

Sự cố duy nhất?

Rất có thể sự cố “đá rởm” ở Hà Lan là trường hợp độc nhất vô nhị bởi năm 1973, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã tặng các mảnh đá mặt trăng như một món quà thể hiện “thiện chí” tới 135 quốc gia.

Tuy nhiên sau mấy chục năm, hơn nửa số đá mặt trăng đó đã bị lấy trộm hoặc thất lạc. Đơn cử như năm 1998, chính quyền Mỹ đã tổ chức chiến dịch nhận dạng và bắt giữ một số kẻ bán đá mặt trăng giả.

Trong chiến dịch mang tên Vành trăng khuyết, cơ quan điều tra đã đăng quảng cáo trên tờ USA Today đề nghị được mua đá mặt trăng. Sau nhiều nỗ lực liên lạc, họ phát hiện ra người bán đang cố tìm cách tiêu thụ đá mặt trăng thật, không phải đồ dỏm.

Đây chính là viên đá được Nixon tặng cho chính phủ Honduras vào năm 1973. Người bán đã ra giá 5 triệu USD cho viên đá nặng chỉ 1,142g. Sau một tháng trời giăng bẫy, nhà chức trách đã bắt được kẻ bán đá. Viên đá sau đó đã được tặng lần thứ 2 cho chính quyền Honduras vào ngày 22/9/2003.

Năm 2002, 101g đá mặt trăng đã bị đánh cắp khỏi Trung tâm Vũ trụ Johnson. Thủ phạm là Thad Roberts và Tiffany Fowler, hai thực tập viên tại NASA. Cả hai biết được điểm yếu trong hệ thống an ninh bảo vệ những viên đá và lợi dụng thời gian thực tập ở đây để đánh cắp số đá mẫu.

Cả hai sau đó đã bị bắt. Ngoài việc lấy cắp đá mặt trăng, chúng còn trộm thiên thạch có thể chứng minh về sự sống trên sao Hỏa, xương khủng long và các hóa thạch khác tại Đại học Utah.

Theo ông Joseph Gutheinz, cựu Giám đốc Cơ quan Thanh tra NASA, hơn một nửa trong số 135 viên đá mặt trăng hiện đã thất lạc hoặc bị đánh cắp. Ông cũng báo động rằng số còn lại đang gặp nguy hiểm. “Vài viên đá mặt trăng đang được trưng bày nhưng không có sự bảo vệ an ninh kỹ lưỡng trong khi số khác tích bụi ở các kho chứa” - ông nói với tờ Science & Space.

Những ngày này, Gutheinz đang bận bịu săn lùng các viên đá mặt trăng bị đánh cắp. Những điểm đến của ông là Afghanistan, Nicaragua, Nigeria, Niger, Gabon, Congo, Romania và Malta. Tất cả các nước này đã từng được tặng những viên đá quý hiếm hồi năm 1973 và cho tới nay đều làm mất món quà đặc biệt đó./.

(TT&VH/Vienam+)

Tin cùng chuyên mục