Bê bối sửa đổi dữ liệu báo cáo cho thấy Ngân hàng Thế giới cần cải tổ

Một cuộc điều tra của công ty luật WilmerHale, được tiến hành theo yêu cầu của ủy ban đạo đức WB, cho thấy một số giám đốc điều hành cấp cao của WB đã “gây áp lực quá mức” để thao túng dữ liệu.
Bê bối sửa đổi dữ liệu báo cáo cho thấy Ngân hàng Thế giới cần cải tổ ảnh 1Một số giám đốc điều hành cấp cao của WB đã 'gây áp lực quá mức' để thao túng dữ liệu trong báo cáo 'Môi trường kinh doanh 2018.' (Nguồn: Getty Images)

Theo trang mạng arabnews.com, đầu tháng 9 này, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một tuyên bố bất thường thông báo ngừng báo cáo "Môi trường kinh doanh" (Doing Business) - xếp hạng các quốc gia theo mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh - sau khi kiểm toán phát hiện ra việc thao túng và sửa đổi dữ liệu.

Từ năm 2003, WB đã xếp hạng 190 quốc gia theo các chỉ số đo lường mức độ dễ dàng đối với việc thành lập và phát triển các công ty tư nhân, chẳng hạn như hệ thống thuế, thủ tục hành chính, giấy tờ quy định, quyền sở hữu và khả năng tiếp cận tín dụng. Báo cáo được sử dụng để khuyến khích đầu tư vào các quốc gia có vị trí cao trong bảng xếp hạng.

Hầu hết các mô hình định lượng về rủi ro quốc gia là nguồn cung cấp số liệu và dữ liệu để đem đến kết quả cho báo cáo hàng năm cũng như để phục vụ việc phân cấp xếp hạng. Nhiều quyết định đầu tư được căn cứ vào uy tín của các báo cáo này.

WB thừa nhận rằng “sự tin tưởng vào nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Thế giới là rất quan trọng” và rằng nghiên cứu của họ “là căn cứ cho giới hoạch định chính sách, giúp các quốc gia đưa ra quyết định sáng suốt hơn và cho phép các bên liên quan đo lường các cải cách kinh tế và xã hội chính xác hơn. Những nghiên cứu này cũng là một công cụ có giá trị cho khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các học viện, nhà báo và những đối tượng khác để mở rộng hiểu biết về các vấn đề toàn cầu."

Năm 2018, các chuyên gia bên ngoài đã đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn của báo cáo "Môi trường kinh doanh" cùng năm, kêu gọi WB đình chỉ báo cáo này. Trong tuyên bố gần đây của mình, WB thừa nhận "bất thường về dữ liệu" trong các báo cáo năm 2018 và 2020 đã khiến họ phải tiến hành một loạt cuộc kiểm toán, "đặt ra các vấn đề đạo đức, bao gồm cả hành vi của các cựu quan chức Hội đồng Quản trị cũng như các nhân viên hoặc những người đã từng làm việc tại đơn vị."

Một cuộc điều tra của công ty luật WilmerHale, được tiến hành theo yêu cầu của ủy ban đạo đức WB, cho thấy một số giám đốc điều hành cấp cao của WB đã “gây áp lực quá mức” để thao túng dữ liệu trong báo cáo "Môi trường kinh doanh 2018." Một số đã phủ nhận các hành vi sai trái.

Những phát hiện kể trên, được công bố trong một báo cáo dài 84 trang đăng tải trên trang mạng của WB, đã dẫn đến đến quyết định ngừng báo cáo này. WB cho biết thêm rằng trong tương lai họ sẽ nghiên cứu một cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường đầu tư và kinh doanh.

Thực tế WB không còn xa lạ với những tranh cãi. Nhiều vụ bê bối liên quan đến tình dục hoặc sai phạm tài chính thỉnh thoảng lại khiến dư luận dậy sóng, trong khi hàng loạt câu hỏi về năng lực quản trị của thể chế này, sự liêm chính trong chuyên môn và giám sát nghiên cứu đã trở thành đề tài tranh cãi sôi nổi trong giới chuyên gia.

Trong nhiều thập kỷ, việc tấn công WB là một trong những hành vi “độc quyền” của các nhà kinh tế cực tả và các nhà hoạt động xã hội, những người cho rằng tổ chức này ủng hộ các chính sách ưu tiên tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp vốn tác động tiêu cực đến các cộng đồng dễ bị tổn thương.

WB cũng bị cáo buộc hoạt động như một “công cụ bá quyền” để thúc đẩy lợi ích của các nước công nghiệp phát triển và các công ty xuyên quốc gia. Gần đây hơn, các lực lượng cánh hữu đã chỉ trích WB và xem thể chế này như một phần của âm mưu thống trị thế giới.

Tuy nhiên, những câu hỏi hóc búa nhất lại đến từ các nhà phê bình ôn hòa hơn. Báo cáo "Môi trường kinh doanh" chắc chắn đã là công cụ hữu ích để giúp hướng dòng đầu tư vào các nền kinh tế hoạt động tốt hơn trong bảng xếp hạng.

Các nhà hoạch định chính sách cũng sử dụng những báo cáo này để định vị các trở ngại và đặt ra các mục tiêu rõ ràng để cải thiện môi trường kinh doanh trong nước.

Tuy nhiên, các báo cáo thường dễ bị đánh giá sai và thậm chí là bị thao túng và sửa đổi dữ liệu, khiến chúng dần mất đi uy tín. Theo giới phê bình, những thất bại của báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Dự án Bretton Woods, một viện nghiên cứu chính sách chuyên đánh giá hoạt động của các tổ chức được thành lập bởi Hội nghị Bretton Woods năm 1944, trong đó có WB, cho rằng bất chấp những nỗ lực thể hiện mình như một ngọn hải đăng soi đường kiến thức và chuyên môn về các vấn đề phát triển và kinh tế vĩ mô, WB tiếp tục là “chủ đề của những chỉ trích mạnh mẽ của giới học thuật, Liên hợp quốc và xã hội dân sự."

Theo Dự án Bretton Woods và các nhà phân tích khác, có rất nhiều tài liệu học thuật phong phú và đa dạng thông tin mà WB hiếm khi tham khảo, một thực tế làm dấy lên câu hỏi về nền tảng của các cơ sở lý thuyết và bằng chứng cho các nguyên tắc cũng như chính sách của thể chế này.

Bên cạnh đó, người ta cho rằng những chính sách của WB đã không ít lần thất bại với các mục tiêu mà họ đề ra là giúp đỡ người nghèo, các cộng đồng bị thiệt thòi và các nước đang phát triển.

Joseph Stiglitz, cựu Phó chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của WB giai đoạn 1997-2000, là một trong số rất ít những nhân vật thách thức mạnh mẽ các chính sách của thể chế này. Sau khi từ chức, ông đã phát động một chiến dịch thông qua nhiều bài viết, bài giảng và các cuốn sách nhằm kêu gọi cải tổ thể chế. Dù từng là cố vấn kinh tế cho Tổng thống Bill Clinton từ năm 1993-1997, có nhiều thông tin cho rằng việc Stiglitz từ chức là do những lời phàn nàn từ chính chính quyền Clinton.

Theo Stiglitz, ông đã phải đối mặt với việc phải lựa chọn giữa ngừng chỉ trích các chính sách kinh tế toàn cầu mà Washington theo đuổi với việc từ chức tại WB. Washington đã không bắt kịp tư duy của thời đại trong việc duy trì tăng trưởng ở các quốc gia đang phát triển. Stiglitz chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng có một “khoảng cách về trí tuệ giữa những gì chúng ta biết và những gì vẫn còn được thực hành."

[WB dự báo từ 2022 kinh tế Việt Nam phục hồi về mức trước dịch COVID-19]

Năm 2001, Stiglitz cùng nhận giải Nobel Kinh tế với George Akerlof và Michael Spence cho nghiên cứu về thị trường với “thông tin bất đối xứng." Dù giải thưởng không liên quan trực tiếp đến những bình luận của ông về toàn cầu hóa và vai trò của WB, giải Nobel này chắc chắn cũng đã thuyết phục được một lượng lớn các độc giả ủng hộ Stiglitz.

Sai lầm mới nhất của WB cho thấy “gót chân Achilles” giống như nhiều tổ chức đa phương khác: Dù ủng hộ quản trị chặt chẽ ở cấp quốc gia, các thể chế này lại không phát triển các biện pháp giám sát và quản trị hiệu quả cho chính thể chế của mình, tạo ra lỗ hổng và nguy cơ thao túng.

Dù đã triển khai hiệu quả việc điều tra các báo cáo “Môi trường kinh doanh” song WB lại quá chậm trễ và chỉ tiến hành việc làm này sau nhiều năm xuất hiện những cáo buộc đầu tiên và mất nhiều thời gian để đưa ra quyết định đình chỉ. Tất cả những diễn biến này càng nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế quản trị liên tục và hiệu quả hơn nhằm bảo vệ danh tiếng của thể chế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục