Bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu chặt chẽ hơn để ứng phó khủng hoảng kinh tế-tài chính và những thách thức toàn cầu khác’’, chiều 26/5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 đã kết thúc sau hai ngày làm việc.

Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu chặt chẽ hơn để ứng phó khủng hoảng kinh tế-tài chính và những thách thức toàn cầu khác’’, chiều 26/5, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu (ASEM) lần thứ 9 đã kết thúc sau hai ngày làm việc.

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tổng kết 5 kết quả nổi bật của hội nghị. Các Bộ trưởng đã nhất trí cao về sự cần thiết thúc đẩy một cách mạnh mẽ hợp tác kinh tế trong ASEM; cho rằng, trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng và khó lường, việc tăng cường hơn nữa hợp tác và đối thoại giữa hai châu lục Á, Âu là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh của hai châu lục và thế giới.

Các Bộ trưởng thống nhất, ASEM cần tiếp tục đóng vai trò tích cực, trách nhiệm trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là về vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh hàng hải, chống dịch bệnh, chống khủng bố.

Hội nghị đã thông qua nhiều sáng kiến quan trọng và có ý nghĩa thiết thực về các lĩnh vực biến đổi khí hậu, hợp tác phát triển, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, phát triển đô thị và nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, các Bộ trưởng nhất trí về việc việc mở rộng ASEM sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ hơn, tăng cường hợp tác và đối thoại, làm cho quan hệ đối tác Á-Âu có thể đối phó được với những thách thức toàn cầu hiện nay và trong tương lai.

Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh việc Australia và Nga xin gia nhập ASEM và giao các quan chức cao cấp tiếp tục thảo luận về các phương thức để hai nước này có thể chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brussels (Bỉ) vào năm 2010.

Trong hai ngày làm việc, các Bộ trưởng đã có những phiên thảo luận rất kết quả về nhiều vấn đề mà các thành viên cùng quan tâm và có chung lợi ích, đặc biệt là các chủ đề của Hội nghị Cấp cao ASEM 7 tại Bắc Kinh tháng 10/2008 nhằm duy trì đối thoại ASEM hướng tới Hội nghị Cấp cao Brussels tháng 10/2010 và quyết tâm tăng cường, phát triển sâu quan hệ đối tác Á-Âu trong khuôn khổ ASEM để ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Các Bộ trưởng ghi nhận suy thoái kinh tế-tài chính toàn cầu hiện nay tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, công ăn việc làm và gắn kết xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Cuộc khủng hoảng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng làm giảm mạnh luồng vốn, đã tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư giữa và trong các nước châu Á và châu Âu, đe dọa ổn định tài chính và phát triển kinh tế của tất cả các thành viên.

Tuy vậy, các Bộ trưởng hài lòng ghi nhận nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế tác động của khủng hoảng và đánh giá cao các sáng kiến, như các sáng kiến do nhóm G20 đề xuất; nhấn mạnh sự cần thiết phải có những hành động chủ động phối hợp chính sách nhằm khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các Bộ trưởng cho rằng, bằng các nỗ lực phối kết quốc tế và quốc gia thông qua sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ, kinh tế thế giới có thể bắt đầu hồi phục vào năm 2010.

Ghi nhận thế giới đang đối mặt với các thách thức toàn cầu nghiêm trọng, các Bộ trưởng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và kêu gọi đoàn kết toàn cầu và phối hợp hành động giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các thể chế quốc tế khác và ASEM nhằm ngăn chặn dịch cúm A (H1N1) bùng phát. Các Bộ trưởng hoan nghênh những hoạt động gần đây của các nước bị tác động hoặc đe dọa bị tác động và kêu gọi có các sáng kiến mới để ứng phó một cách hiệu quả và minh bạch, phòng chống các đại dịch đối với con người.

Các Bộ trưởng ghi nhận các thách thức gay gắt của vấn đề thay đổi khí hậu, cũng như sự cấp bách của việc tăng cường hợp tác ASEM để đối phó với vấn đề này; nhấn mạnh rằng đa dạng sinh học và bảo vệ rừng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn tại cân bằng về kinh tế, xã hội và sinh thái, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ khí hậu, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ rừng vốn là các vấn đề then chốt trong chống đói nghèo và đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ.

Các Bộ trưởng nhấn mạnh ủng hộ hợp tác ASEM chặt chẽ hơn về biến đổi khí hậu và kêu gọi thực hiện nhanh chóng và nhất quán Tuyên bố Bắc Kinh về Phát triển bền vững và Tuyên bố Helsinki về Biến đổi khí hậu.

Trong vấn đề đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh, các Bộ trưởng ghi nhận từ “Năm Đối thoại giữa các nền Văn hoá và Văn minh của Liên Hợp Quốc” (2001), các quốc gia đã có nhận thức chung rằng toàn cầu hoá bao hàm các lĩnh vực kinh tế, tài chính và công nghệ, các phương diện về con người, văn hoá và tinh thần, sự tuỳ thuộc lẫn nhau và sự đa dạng của nhân loại. Do vậy, đối thoại giữa các nền văn hoá và các nền văn minh là cần thiết.

Trong bối cảnh đó, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến của Ba Lan đăng cai Hội nghị Bộ trưởng Văn hoá ASEM lần thứ 4 vào năm 2010 để thảo luận về tầm trọng của những vấn đề nêu trên, trong đó nhấn mạnh đến vấn đề di sản văn hoá. Các Bộ trưởng cũng hoan nghênh đề nghị của Trung Quốc đăng cai tổ chức Liên hoan Văn hoá Nghệ thuật ASEM vào tháng 9/2009.

Các Bộ trưởng đánh giá cao và bày tỏ ủng hộ các nỗ lực của Bỉ trong thời gian chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh ASEM 8 sẽ tổ chức tại Brussels vào tháng 10 năm 2010.

Hội nghị đã thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 tại Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục