Bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị các đại biểu bổ sung số liệu, tình hình địa phương, kiến nghị cụ thể để phát triển vùng dân tộc thiểu số.
Bế mạc Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ảnh 1Phiên họp toàn thể lần thứ sáu Hội đồng Dân tộc của Quốc hội. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 4/5, Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã bế mạc sau hai ngày làm việc.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị các đại biểu bổ sung số liệu, tình hình địa phương, kiến nghị cụ thể để phát triển vùng dân tộc thiểu số nhằm hoàn thiện Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2017, tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; kết quả thực hiện chính sách dân tộc quý I năm 2018, đề xuất công tác dân tộc giai đoạn tiếp theo của Ủy ban Dân tộc.

Đối với Báo cáo kết quả giám sát, Báo cáo giữa hai kỳ họp của Hội đồng Dân tộc, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chương trình giám sát của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các đại biểu cần tiếp thu đầy đủ, bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo kịp gửi cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và bộ, ngành liên quan.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến yêu cầu các thành viên Hội đồng nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đời sống, văn hóa, giáo dục… đối với một số dân tộc rất ít người ở Nghệ An, Lai Châu; nghiên cứu tổ chức hội thảo xây dựng hợp tác xã trong vùng đồng bào dân tộc miền núi. Hội đồng Dân tộc cần tiếp tục đổi mới để bắt kịp đổi mới của Quốc hội, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Trước khi bế mạc, tại phiên làm việc chiều 4/5, các thành viên Hội đồng Dân tộc đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; cho ý kiến về các dự án Luật Chăn nuôi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật

Thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các đại biểu đánh giá, mặc dù quy trình lập pháp đã được cải tiến nhưng một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm, đầu tư thời gian, công sức thỏa đáng cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh.

Công tác tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án còn hình thức, đối tượng lấy ý kiến chưa đầy đủ. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong xây dựng pháp luật nhiều lúc còn chưa nghiêm…

Từ bất cập này, các thành viên Hội đồng Dân tộc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đầu tư nguồn lực thỏa đáng, đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật.

Chính phủ cần dành thời gian nhiều hơn nữa cho việc thảo luận tập thể về mỗi dự án luật; thảo luận kỹ nội dung mà bộ, ngành chuyên môn có ý kiến khác; đôn đốc, kiểm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án Luật.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các bộ, cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo sớm xây dựng, kế hoạch cụ thể, trong đó xác định rõ nội dung, lộ trình xây dựng văn bản pháp luật trong lĩnh vực được giao; thực hiện nghiêm quy định về tiến độ chuẩn bị, thời gian gửi hồ đến cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

[Phiên họp toàn thể lần thứ 6 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội]

Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi vùng đặc biệt khó khăn

Cho ý kiến về dự án Luật Chăn nuôi, các thành viên Hội đồng Dân tộc cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật đồng thời nhấn mạnh ngành chăn nuôi nước ta nói chung và chăn nuôi vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng còn nhỏ lẻ, chăn nuôi quy mô hộ gia đình còn chiếm tỷ lệ cao (60-70%). Trong khi đó, chăn nuôi hộ gia đình đang là nguồn sinh kế của nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Vì thế bên cạnh việc đảm bảo phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng hiện đại thì cần đảm bảo sinh kế các hộ chăn nuôi gia đình vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo sản xuất, thu nhập cho các hộ nông dân trước sự nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chăn nuôi từ các nước phát triển vào Việt Nam.

Nhiều đại biểu nhận định, vùng dân tộc và miền núi có rất nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi các giống gia súc, gia cầm quý hiếm. Các nội dung về bảo hộ phương thức chăn nuôi phù hợp với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, phát triển chăn nuôi đáp ứng cơ chế thị trường và biến đổi khí hậu… chưa được thể chế hoá trong dự thảo luật, vì thế ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát thêm.

Liên quan đến vấn đề quản lý thức ăn chăn nuôi, một số ý kiến cho rằng phải kiểm soát, hạn chế được thị phần thức ăn chăn nuôi do doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài tạo ra; xây dựng chính sách hỗ trợ hợp lý để phát triển chăn nuôi vùng đặc biệt khó khăn.

Thu hẹp phạm vi, đối tượng cử tuyển

Đa số thành viên Hội đồng Dân tộc nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết, quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục nhằm khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, đảm bảo sự thống nhất với các Luật khác về lĩnh vực giáo dục như: Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Bộ luật Dân sự và các luật có liên quan.

Về chính sách cử tuyển, Hội đồng Dân tộc khẳng định đây là chính sách lớn, đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đào tạo đội ngũ trí thức, cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, các ý kiến đề nghị vẫn duy trì chế độ này.

Trước bất cập của chính sách cử tuyển hiện nay, nhất là tình trạng nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp cử tuyển chưa được bố trí việc làm, cần sửa đổi Điều 90 Luật Giáo dục theo hướng thu hẹp phạm vi, đối tượng cử tuyển.

Theo đó, chỉ nên cử tuyển đối tượng người học là dân tộc thiểu số rất ít người hoặc dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn miền núi vùng cao chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức ở vùng đó.

Đồng thời, xây dựng lại tiêu chí để nâng cao chất lượng đầu vào cử tuyển, nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với bố trí việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Cũng tại phiên làm việc chiều 4/5, các thành viên Hội đồng Dân tộc cho ý kiến về dự án Luật Trồng trọt và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục