Bế mạc trọng thể kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII

Sáng 23/11, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc tại Hà Nội, thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đề ra.
Sáng 23/11, Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII đã bế mạc tại Hà Nội, thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc đề ra.

Dự phiên bế mạc có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

Quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri cả nước đặc biệt quan tâm

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ với tinh thần đoàn kết, dân chủ, hợp tác và trách nhiệm cao trước nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ tham gia tích cực, tâm huyết vào các nội dung của kỳ họp, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, được cử tri và đồng bào cả nước đặc biệt quan tâm.

Hầu hết nội dung của kỳ họp được tổ chức thảo luận công khai, phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân theo dõi, giám sát.

Các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các ngành, các cấp và các cơ quan nhà nước hữu quan đã báo cáo trực tiếp trước toàn dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước ngày càng gần dân hơn, công khai hơn, minh bạch hơn.

Quốc hội đã dành nhiều thời gian phân tích, đánh giá một cách sâu sắc thực trạng tình hình kinh tế-xã hội nước nhà năm 2012, chỉ ra những tồn tại, yếu kém, nguyên nhân và các bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh năm 2013 là thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; tạo nền tảng phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội đã thông qua chín dự án luật quan trọng và cho ý kiến về sáu dự án luật khác. Các luật này đã được xem xét một cách thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát hợp với thực tiễn cuộc sống.

Quốc hội đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng, đồng thời, xác định cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, có nhiều khó khăn phức tạp.

Quốc hội đã dành thời gian thích đáng thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi). Đây là một dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội, sự ổn định, phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và có nhiều nội dung phức tạp, nhạy cảm, còn nhiều ý kiến khác nhau.

Quốc hội cũng khẳng định sửa đổi, bổ sung Hiến pháp là công việc hệ trọng của toàn Đảng, toàn dân nhằm bảo đảm cơ sở chính trị-pháp lý cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Quốc hội yêu cầu Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp tổ chức thật tốt việc lấy ý kiến nhân dân để chắt lọc tinh hoa trí tuệ, ý chí của toàn dân, chuẩn bị tích cực để Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua văn kiện quan trọng này vào kỳ họp cuối năm 2013.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ quan trọng nhất của Nhà nước các cấp được Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Việc ban hành Nghị quyết là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là làm cho Nghị quyết được tổ chức thực hiện tốt trong cuộc sống.

Quốc hội yêu cầu, các ngành, các cấp, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc đánh giá tín nhiệm một cách chính xác đối với các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn từ kỳ họp đầu năm 2013.

Trong phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và năm Nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao.

Từ 2/1/2013, bắt đầu lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng đã được Quốc hội thông qua với 100% số đại biểu có mặt tán thành. Theo Nghị quyết, thời gian lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 bắt đầu từ ngày 2/1/2013 và kết thúc vào ngày 31/3/ 2013.

Việc lấy ý kiến nhân dân nhằm mục đích p hát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.

Nội dung lấy ý kiến là toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 , thông qua các hình thức góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; thảo luận tại các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua Trang thông tin điện tử của Quốc hội, các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.

Đối tượng lấy ý kiến bao gồm các tầng lớp nhân dân; các cơ quan nhà nước, tổ chức ở trung ương; cơ quan nhà nước ở địa phương; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các học viện, trường đại học, viện nghiên cứu; các cơ quan thông tấn, báo chí.

Khẩn trương, nghiêm túc giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII nêu rõ Quốc hội ghi nhận các giải pháp tích cực mà Thủ tướng Chính phủ và các thành viên của Chính phủ đã cam kết trước Quốc hội. Đồng thời, yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Xây dựng, Y tế và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, biện pháp đồng bộ trong điều hành, chỉ đạo thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình.

Quốc hội đề nghị Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục có kế hoạch thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước và kỳ họp này một cách có kết quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Quốc hội giao Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét những nội dung cần thiết được quan tâm để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tổ chức các phiên họp giải trình của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những vấn đề thuộc lĩnh vực Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội phụ trách hoặc được cử tri kiến nghị và đại biểu Quốc hội chất vấn.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan khẩn trương, nghiêm túc giải quyết, trả lời 1396 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi đến Quốc hội tại kỳ họp này và các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 chưa được giải quyết, trả lời.

Trước năm 2015 cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, để thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc ban hành, thực hiện các quyết định hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.

Quốc hội yêu cầu tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai, nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Tòa án nhân dân về việc giải quyết các tranh chấp về đất đai, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa Luật đất đai, Luật khiếu nại, Luật tố cáo, Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Trước năm 2015, cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo bản đồ địa chính, trích đo địa chính có tọa độ.

Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước theo thẩm quyền chủ động xem xét từng vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai trong phạm vi quản lý để giải quyết kịp thời, dứt điểm, công bố công khai kết quả giải quyết.

Thực hiện nghiêm chế độ tiếp dân, kiện toàn về tổ chức và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tiếp dân từ trung ương đến địa phương...

Triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân, công tác thi hành án năm 2013.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai đồng bộ các biện pháp để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả các vi phạm pháp luật và tội phạm; năm 2013 tạo chuyển biến tích cực bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Tiếp tục thí điểm chế định Thừa phát lại đến ngày 31/12/2015

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại; giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2015.

Chính phủ quy định cụ thể và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại. Các tổ chức Thừa phát lại đã được thành lập và hoạt động theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 được tiếp tục hoạt động từ ngày 1/7/2012 cho đến khi Quốc hội có quyết định mới.

Minh bạch tài sản, thu nhập, tạo điều kiện giám sát, phát hiện tham nhũng

Một trong những quy định mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng là công khai bản kê khai tài, góp phần minh bạch tài sản, thu nhập để tiến tới kiểm soát thu nhập, đồng thời tạo điều kiện việc giám sát, phát hiện tham nhũng.

Bản kê khai tài sản của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc.

Theo đó, thời điểm công khai được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 31/3 hàng năm. Trường hợp công khai bằng hình thức niêm yết thì phải đảm bảo thời gian tối thiểu là 30 ngày liên tục.

Bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó.

Bản kê khai tài sản của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

Luật cũng đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, góp phần triển khai thực hiện quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Nhà nước ta là thành viên.

Vấn đề mới này được giao cho Chính phủ quy định cụ thể về mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình./.

Xin mời xem bài phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bế mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, tại đây.

Quỳnh Hoa-Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục