Beijing Auto đứt mộng thôn tính hãng Opel

Beijing Automotive không thể tiếp tục quá trình đàm phán để mua cổ phần ở hãng xe Opel đang thuộc quyền điều hành của GM.
Hãng xe Trung Quốc Beijing Automotive Industry Holding Co. (BAID) vừa thông báo họ sẽ không thể tiếp tục quá trình đàm phán với General Motors Corp để mua cổ phần ở hãng xe Opel đang thuộc quyền điều hành của GM.

“Đáng tiếc là cả hai bên (BAID và GM) đã không đạt được thỏa thuận,” văn bản chính thức của BAID, hãng xe có lượng tiêu thụ sản phẩm lớn thứ 5 Trung Quốc, cho biết, “Chúng tôi đã không thể thống nhất được về vấn đề sở hữu trí tuệ với GM”.

Cuối tuần trước, GM đã không chấp thuận mức đề xuất tài chính mà nhà sản xuất xe hơi Trung Quốc đưa ra nhằm sở hữu phần tài sản của Opel, một tên tuổi xe hơi ở châu Âu.

“Chúng tôi hiểu và tôn trọng sự lựa chọn của GM”, BAID thông báo. Ông Xu Heyi, Chủ tịch hãng cũng nói: “Tôi tin rằng BAID vẫn sẽ là đối tác tốt cho sự phát triển của GM ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, cũng dễ hiểu sự mềm dẻo của BAID và sự thận trọng của GM trong thương vụ này. Opel được coi như cánh tay nối dài của GM ở châu Âu và những chiếc Chevrolet Cruize ở Mỹ giống hệt chiếc Opel Astra ở cựu lục địa.

Nếu BAID nắm được 51% cổ phần ở Opel, nghĩa là nắm phần quyết định, thì GM sẽ mất dần ảnh hưởng của mình với Opel. Chính với cách nhìn nhận này, nhiều nhà phân tích cho rằng thương vụ trên khó có thể thành công.

Với GM, Trung Quốc được coi là thị trường chiến lược của hãng. Hãy nhìn vào các con số: Khi lượng xe của GM bán tại Mỹ chỉ 176.571 chiếc trong tháng Sáu, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước thì lượng hàng tiêu thụ được tại Trung Quốc là 143.294 chiếc, tăng tới 62%.

“GM đã lo lắng rằng sau khi chúng tôi (BAID) nắm được Opel, bao gồm cả sở hữu trí tuệ, sẽ ảnh hưởng tới công việc làm ăn của GM ở Trung Quốc cũng như mối liên kết hiện tại,” Chủ tịch Xu Heyi đưa ra lời nhận xét này trong một chương trình phỏng vấn trên đài phát thanh.

Beijing Auto cho rằng GM vẫn muốn nắm giữ phần lớn cổ phần chi phối tại Opel, tại cả thị trường châu Âu và cả ở Trung Quốc. Về phía mình, GM cho biết sẽ không kéo dài đàm phán với BAID trong vụ mua bán Opel. Hãng xe Mỹ muốn giữ nguyên “chủ quyền” công nghệ ở Opel, như xe hybrid hay pin xe điện, kể cả bản quyền công nghệ ở công ty mới nếu người Trung Quốc nắm giữ nó.

BAID đang “bành trướng” sự ảnh hưởng của mình bằng các nguồn vốn đầu tư ra thị trường quốc tế, bao gồm cả những mối “làm ăn chung” cùng Ford hay Volvo. Riêng với Volvo, BAID là doanh nghiệp Trung Quốc thứ hai sau Geely Holding Co. kết hợp với hãng xe Thụy Điển.

Và cuối cùng, ai cũng nhận ra rằng, chỉ có thể phát triển nhanh và lợi nhuận cao nếu nắm trong tay các bí quyết công nghệ tiên tiến. BAID đang tỏ rõ ý đồ thực dụng của mình, nhất là trong bối cảnh GM đang lao đao như hiện nay./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục