Beijing Auto sẽ "lao lực" khi nắm nhãn Opel?

Beijing Auto sẽ dễ bị “lao lực” khi nắm bắt một trong những thương hiệu xe hơi nổi tiếng châu Âu do còn quá ít kinh nghiệm.
Các nghiên cứu cho thấy có vẻ như hãng xe Trung Quốc Beijing Auto đã gặp may khi không thể nắm bắt được mác xe nổi tiếng châu Âu Opel sau những thất bại trong đàm phán với GM hồi tháng trước.

Người Trung Quốc đã may mắn bởi không phải đối mặt với nguy cơ “lao lực” khi làm quá sức mình.

Nếu cố hết sức để có được Opel, Beijing Auto phải đối mặt với ít nhất 4 vấn đề: Thứ nhất là hãng xe Trung Quốc chưa có nhiều kinh nghiệm liên kết đa quốc gia và cũng chưa gặt hái được nhiều thành công trong liên doanh quốc tế sản xuất xe hơi. Nếu phải điều hành Opel, hãng sẽ rất lúng túng trong công việc, trong khi kinh nghiệm chỉ có khi đã tiêu tốn nhiều thời gian và tiền bạc.

Thứ 2, Beijing Auto có rất ít kinh nghiệm quản lý quy mô toàn cầu, kể cả khi hãng đã lập liên doanh với Hyundai và Daimler tại Trung Quốc. Những kinh nghiệm có được về điều hành sản xuất xe hơi trong nước chẳng thể giúp ích nhiều cho việc quản lý sản xuất trên quy mô lớn bởi hãng sẽ phải bao quát hơn, biết đẩy mạnh chỗ này và tạm ngưng tác động chỗ khác; hay việc phải nghiên cứu và phân loại thị trường sao cho các chủng loại sản phẩm đồng cấp, khác thương hiệu nhưng “cùng một mẹ” không cạnh tranh lẫn nhau.

Thứ 3, nếu có được Opel, hãng xe Trung Quốc sẽ "phồng" lên như bong bóng, lớn quá mức so với những gì vốn có. Nếu tính hết cả những cơ sở liên doanh của hãng với Hyudai và Dailmer, Beijing Auto cũng chỉ có quy mô bằng 2/3 Opel. Đương nhiên, nếu chỉ tính đến những gì thực của người Trung Quốc, phần tỷ lệ còn chênh lệch nữa. Rất khó khăn để “gã lính mới tí hon” điều hành thành công “gã khổng lồ tên tuổi”. Đó là chưa kể đến những bất đồng văn hóa “vùng, miền”, gây nhiều khó khăn trong quản lý, điều hành.

Thứ 4, mục đích của Beijing Auto khi đặt vấn đề với GM để mua lại Opel là muốn khuếch trương thương hiệu trên thế giới; xâm nhập thị trường châu Âu và đưa kỹ thuật tiên tiến của Opel về Trung Quốc. Tuy nhiên, xét về danh tiếng, hãng sẽ “thua” nhiều hơn “được” trong thương vụ này vì bị đánh giá là xấu chơi khi muốn có được công nghệ mới bằng cách bỏ tiền mua chứ không nghiên cứu.

Hơn nữa, nếu có được Opel, chưa chắc Beijing Auto đã có thể sử dụng hữu hiệu những công nghệ mới mua về bởi ngành sản xuất công nghiệp ôtô toàn cầu hoạt động theo hướng bổ trợ nhau trên một “dây chuyền” lớn. Rất nhiều bên cùng tham gia vào việc cho xuất xưởng một chiếc xe hơi và cách này rẻ hơn nhiều so với việc một ai đó cố ôm gọn mọi công đoạn từ A-Z khi chế tạo ôtô./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục