Belarus vận chuyển xăng xuất khẩu qua Nga sau gần 3 năm

Nhiều thông tin cho thấy Belarus đang lên kế hoạch vận chuyển xăng qua cảng Ust-Luga của Nga ở Baltic trong tháng 10, thay vì qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) như trước.
Belarus vận chuyển xăng xuất khẩu qua Nga sau gần 3 năm ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: DW)

Ngày 14/10, các nguồn thạo tin cho biết Belarus đang lên kế hoạch vận chuyển xăng qua cảng Ust-Luga của Nga ở Baltic trong tháng 10, thay vì qua các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) như trước.

Động thái trên diễn ra sau khi căng thẳng giữa Belarus với Liên minh châu Âu (EU) leo thang. Cụ thể, Công ty dầu mỏ Belarus sẽ vận chuyển tổng cộng 37.000 tấn xăng từ nhà máy lọc Mozyr qua cảng Ust-Luga của Nga trong tháng này. Theo các nguồn tin, công ty Vitol là bên đặt mua. Một nguồn tin cho rằng đây là chuyến hàng thử nghiệm và hiện chưa rõ các chuyến hàng tiếp theo của Belarus có đi qua đây không. Đây là sẽ chuyến hàng nhiên liệu đầu tiên của Belarus qua cảng của Nga kể từ tháng 1/2018.

Belarus thường xuất khẩu xăng từ các nhà máy lọc Mozyr và Novopolotsk qua cảng Klaipeda của Litva và Ventspils của Latvia, hai quốc gia thuộc EU ở vùng Baltic. Belarus cũng cung cấp một số nhiên liệu động cơ tới Ukraine, quốc gia giáp với các nước EU. Tháng 8 vừa qua, Tổng thống Alexander Lukashenko đã cảnh báo sẽ chuyển các sản phẩm dầu mỏ qua cảng của Nga nếu EU áp đặt các lệnh trừng phạt, đồng thời để ngăn các nước EU sử dụng Belarus làm tuyến đường trung chuyển đến Nga.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Belarus có thể vận chuyển 4 triệu tấn trong tổng số 6 triệu tấn các sản phẩm dầu mỏ qua các cảng của Nga. Trong những năm qua, hai nước cũng đã thảo luận về việc chuyển các sản phẩm dầu mỏ của Belarus qua Nga, song không dẫn đến sự chuyển hướng lâu dài nào.

[Nga cung cấp vắcxin Sputnik V phòng ngừa COVID-19 cho Belarus]

Tình hình Belarus bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/8. Tổng thống Lukashenko đã tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên đối lập Svetlana Tikhanovkskaya chỉ được 10,12%. Nữ chính khách này đã không công nhận kết quả bầu cử. Sau đó, nhiều cuộc biểu tình phản đối chính phủ diễn ra tại nhiều thành phố đã biến thành xô xát với cảnh sát.

Ngày 23/9 vừa qua, Tổng thống Lukashenko đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới, song EU từ chối công nhận ông là tổng thống hợp pháp của Belarus. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus, theo đó sẽ mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với khoảng 40 thành viên thuộc chính quyền của Tổng thống Lukashenko. Đáp lại, Chính phủ Belarus cho biết sẽ ban bố các biện pháp trừng phạt trả đũa nhằm vào EU, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu EU mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục