Bệnh nhân H1N1 kháng thuốc không nguy hiểm

Ngày 30/6, WHO đã khẳng định trường hợp đầu tiên kháng thuốc điều trị cúm Tamiflu tại Đan Mạch chỉ là cá biệt, không phản ánh mức độ phát triển nguy hiểm của virus cúm.

Ngay sau khi Đan Mạch phát hiện bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên kháng thuốc điều trị cúm Tamiflu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 30/6 đã khẳng định trường hợp này chỉ là cá biệt, không phản ánh mức độ phát triển nguy hiểm của virus, vì vậy không phải là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Theo người phát ngôn WHO Dick Thompson, tại thời điểm hiện nay, sự biến đổi của virus A/H1N1 chưa nguy hại đến sức khỏe cộng đồng vì sức khỏe của bệnh nhân kháng thuốc đã ổn định và chưa phát hiện thêm trường hợp kháng thuốc nào khác.

Tuy nhiên, ông cảnh báo các nước cần tiếp tục cảnh giác và hệ thống giám sát dịch cúm của WHO, gồm các phòng thí nghiệm ở 97 quốc gia, phải giám sát diễn biến dịch bệnh thường xuyên trong bối cảnh virus A/H1N1 có thể biến đổi trở nên nguy hiểm bất kỳ lúc nào.

Ông cho biết, WHO sẽ không thay đổi các khuyến cáo hiện nay về sử dụng các loại thuốc điều trị cúm thông thường như Tamiflu và Relenza cho bệnh nhân cúm A/H1N1.

Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ cũng xác nhận trường hợp kháng thuốc Tamiflu ở Đan Mạch không làm thay đổi khả năng lây nhiễm và gây bệnh hiện nay của virus cúm A/H1N1.

Trong bối cảnh số người chết vì cúm A/H1N1 ở Argentina tăng nhanh, hiện lên đến 35 trường hợp. Tại thủ đô Buenos Aires và tỉnh cùng tên của Argentina, hai khu vực chiếm gần một nửa dân số nước này, ngày 30/6 đã ban bố tình trạng khẩn cấp về y tế và thời gian nghỉ giữa kỳ ở các trường học như một biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan rộng.

Theo đó, thời gian nghỉ giữa kỳ của học sinh tại hai khu vực này năm nay bắt đầu từ ngày 6/7 đến 3/8, thay vì từ ngày 20 đến 31/7 như qui định cho các năm trước.

Sắc lệnh về y tế cho phép giới chức hai khu vực này ngừng các hoạt động thể thao và vui chơi khi cần thiết, nhưng không yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, trung tâm thương mại, hệ thống giao thông công cộng và rạp chiếu phim như Mexico đã áp đặt cuối tháng Tư vừa qua.

Thông báo mới nhất của WHO và các nước thành viên ghi nhận gần 73.000 ca nhiễm dịch cúm A/H1N1, bao gồm 317 người tử vong.

Mỹ vẫn đứng đầu danh sách về số người lây nhiễm và chết vì dịch cúm A/H1N1 với 127 ca tử vong trong tổng số 27.717 ca nhiễm bệnh.

Mexico đứng thứ hai cả về số ca tử vong và lây nhiễm với 116 trường hợp tử vong trong tổng số 8.729 ca lây nhiễm, trong khi thông báo của nước này là 119 ca tử vong trong tổng số hơn 9.000 người lây nhiễm.

Canada thông báo số người lây nhiễm cao thứ ba với 7.983 trường hợp, bao gồm 30 ca tử vong, trong khi WHO xác nhận 21 người tử vong trong tổng số 7.775 ca nhiễm dịch.

Anh ghi nhận số người nhiễm cúm cao thứ tư thế giới với 5.937 trường hợp, nhưng chỉ có 3 ca tử vong. Chile có số ca lây nhiễm cao thứ năm với 5.186 trường hợp, bao gồm 7 người tử vong.

Australia xếp thứ sáu về số ca lây nhiễm với 4.038 trường hợp, bao gồm 4 người tử vong. Mặc dù đứng thứ bảy về số người nhiễm dịch với 1.488 trường hợp, Argentina ghi nhận số ca tử vong cao thứ ba thế giới với 35 trường hợp.

Đứng đầu nhóm nước ghi nhận số ca lây nhiễm dưới con số 1.000 là Philippines (861 trường hợp), Tây Ban Nha (717), Costa Rica (255), Cộng hòa Dominica (108) và Colombia (88)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục