Bệnh quầng vàng tàn phá các rạn san hô ngoài khơi Thái Lan

Năm ngoái, san hô xuất hiện quầng vàng lần đầu được phát hiện ở ngoài khơi khu vực ven biển miền Đông Thái Lan; đến nay, căn bệnh này đã lan ra khu vực san hô có diện tích lên đến 240ha dưới đáy biển.
Bệnh quầng vàng tàn phá các rạn san hô ngoài khơi Thái Lan ảnh 1Bệnh quầng vàng lây lan nhanh đang tàn phá các rạn san hô của Thái Lan. (Nguồn: France 24)

Dưới làn nước màu xanh ngọc tĩnh lặng ngoài khơi miền Đông Thái Lan, bệnh quầng vàng lây lan nhanh đang tàn phá các rạn san hô trên diện rộng và các nhà khoa học lo ngại rằng tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Bệnh quầng vàng (yellow-band) được đặt tên theo màu sắc xuất hiện trên san hô bị bệnh, được phát hiện lần đầu tiên cách đây nhiều thập kỷ và đã gây thiệt hại trên diện rộng đối với các rạn san hô ở vùng biển Caribe. Cho đến nay, vẫn chưa có phương pháp nào ngăn chặn căn bệnh này.

Năm ngoái, một số nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên phát hiện san hô xuất hiện quầng vàng ở ngoài khơi khu vực ven biển miền Đông Thái Lan, gần thành phố du lịch nổi tiếng Pattaya. Cho đến nay, căn bệnh này đã lan ra khu vực san hô có diện tích lên tới 240ha dưới đáy biển.

Nhà khoa học biển Lalita Putchim tại Cục Tài nguyên biển và ven biển của Thái Lan nhấn mạnh bà chưa từng thấy hiện tượng như vậy trước đây. Các nhà khoa học tới ghi nhận bệnh quầng vàng trên san hô ở tất cả các điểm họ tới kiểm tra. Khi nhiễm bệnh, san hô sẽ chết.

Bà Lalita cho biết thêm rằng việc suy giảm diện tích san hô có thể gây ra tàn phá hệ sinh thái, do các rạn san hô giống như một khu rừng, giúp duy trì một lượng lớn sự sống và việc san hô chết thậm chí có thể ảnh hưởng đến sinh kế của con người.

[Công bố 'thủ phạm' phá hủy rạn san hô quan trọng bậc nhất thế giới]

Nhà chức trách hàng hải Thái Lan đang sử dụng mạng xã hội để theo dõi các báo cáo về những rạn san hô nhiễm bệnh, đồng thời đề nghị người dân thông báo ngay khi phát hiện tình trạng bệnh này trên san hô.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu hy vọng rằng cuộc điều tra của họ về đợt lây lan bệnh quầng vàng trên san hô sẽ giúp tìm ra cách ngăn chặn hoặc điều trị bệnh.

Các nhà nghiên cứu Thái Lan cũng nhận được sự hỗ trợ của các tình nguyện viên địa phương và chủ doanh nghiệp Thanapon Chaivanichakul, người đã thu thập những bằng chứng về việc san hô nhiễm bệnh.

Giới khoa học cho rằng tình trạng đánh bắt quá mức, ô nhiễm và nhiệt độ nước tăng do biến đổi khí hậu có thể khiến các rạn san hô dễ mắc bệnh quầng vàng. Hiện không thể đảo ngược tác động của căn bệnh này như đã làm với hiện tượng tẩy trắng san hô.

Bệnh quầng vàng thậm chí còn được coi là mối đe dọa, tác động tới sinh kế của nhiều người dân vốn dựa vào nguồn thu nhập từ khách du lịch đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên trong vùng, đặc biệt là các rạn san hô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục