Bệnh truyền nhiễm gia tăng và diễn biến phức tạp

Theo Bộ Y tế, trong vài năm gần đây, một số bệnh truyền nhiễm đã tái xuất hiện với diễn biến phức tạp hơn và có xu hướng gia tăng.
Bộ Y tế cho biết trong vài năm gần đây, một số căn bệnh truyền nhiễm đã tái xuất hiện và có xu hướng gia tăng ở cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Báo cáo của Bộ Y tế tại Hội nghị chuyên đề về công tác y tế dự phòng, sáng 24/11 tại Hà Nội, dù Việt Nam đã loại trừ được một số bệnh truyền nhiễm từ những năm trước, song gần đây một số bệnh đã quay trở lại với diễn biến phức tạp hơn.

Ngoài ra còn có thêm 30 bệnh truyền nhiễm khác mới xuất hiện như Ebola, bò điên, SARS, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1. Nguyên nhân chính làm gia tăng các căn bệnh này là do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.

Thống kê của Bộ Y tế cũng cho biết có khoảng 62% số ca  bệnh ở Việt Nam thuộc loại bệnh không có khả năng lây nhiễm như huyết áp, tâm thần, tim mạch, suy dinh dưỡng, tiểu đường, cho dù các loại bệnh này đang gia tăng; 27% loại bệnh có thể gây lây nhiễm qua truyền vi trùng và 11% loại bệnh do tai nạn thương tích.

Mặc dù tỉ lệ bệnh truyền nhiễm không cao, song đây lại là những căn bệnh có thể gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội ở mỗi quốc gia. Tính riêng dịch bệnh SARS xảy ra ở Việt Nam năm 2003 đã gây thiệt hại về vật chất chiếm khoảng 5% GDP, dù chỉ có 5 người chết vì căn bệnh này.

Chính vì vậy, đầu tư cho công tác y tế dự phòng đã được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu, đầu tư cho y tế dự phòng hiện chiếm khoảng 30% tổng đầu tư cho ngành y tế.

Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu các đơn vị y tế tại 31 tỉnh phía Bắc thảo luận về các vấn đề liên quan đến y tế dự phòng, trong đó tập trung vào nội dung y tế học đường, hút thuốc lá, tai nạn thương tích ở trẻ, mất cân bằng về chăm sóc y tế giữa các vùng miền.

Đại diện Bộ Y tế cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc tăng cường giám sát, quản lý dịch bệnh chặt chẽ, để ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh./.

Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục