Bệnh viện khổ trước, trường học khổ sau

Năm 2003, phòng khám khoa sản, khoa nhi ở các bệnh viện Hà Nội quá tải vì "dê vàng" thì năm nay đến lượt các trường tiểu học khốn đốn khi các "dê vàng" bước vào lớp 1.

Quan niệm chọn "năm đẹp" sinh con để con trở thành người tài vào những năm "dê vàng" (2003), "heo vàng" (2007)… không chỉ gây quá tải đối với bệnh viện, ở các phòng khoa sản, khoa nhi trong năm đó mà còn để lại hệ lụy lâu dài đối với ngành giáo dục.

Năm nay, tuổi "dê vàng" bước vào lớp 1. Dù đã lường trước nhưng tình trạng quá tải học sinh vào lớp 1 năm nay ở Hà Nội khiến nhiều trường âm vào tình trạng "khốn đốn".

Loay hoay bố trí lớp

Một phụ huynh có con học tại lớp 5 Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) than thở: "Nghe nói năm nay lớp 1 quá tải, để có đủ phòng học, giáo viên cho khối lớp 1, trường con tôi có năm lớp 5 nhưng bây giờ chỉ còn 4 lớp. Một lớp phải chia đều sang các lớp còn lại. Trung bình mỗi lớp 5 này có 48 học sinh, chia ra thì sĩ số lớp gần 60. Quá đông! Trong khi đó, khối 5 sẽ có tình trạng trong một lớp, học sinh sẽ chia ra học 2 thứ tiếng, Anh và Pháp. Liệu rằng kết quả học tập có tốt không khi đột nhiên chia lớp và học chéo ngoại ngữ?".

Vị phụ huynh này cũng cho biết thêm: "Chúng tôi đã chờ kế hoạch xây dựng thêm lớp của trường cách đây đã 2 năm. Chắc cũng chỉ là lời hứa!"

Theo điều tra dân số tại phường Quán Thánh - nơi trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương tiếp nhận học sinh đúng tuyến, sẽ có khoảng 200 trẻ sinh năm 2003 đến tựu trường năm 2009. Cộng thêm khoảng 40 trẻ trường tiếp nhận học tiếng Pháp. Năm học này, trường có 6 lớp 1 với sĩ số trung bình 48 học sinh/lớp.

Chịu chung tình trạng quá tải và tìm hướng giải quyết, Hiệu trưởng trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại rất rành mạch: "Trường tôi phải phụ trách số học sinh của hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành. Năm nay số học sinh đầu cấp tăng hơn 100 em so với năm ngoái, sỹ số mỗi lớp là 55 em".

Để giải quyết khó khăn này, Tiểu học Tây Sơn đã phải sáp nhập những lớp ít học sinh hơn ở khối 4, 5. Từ 7 lớp thành 6 lớp ở khối 4, từ 6 lớp còn 5 lớp ở khối 5.

Tại Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), năm nay với số trẻ đến trường tăng đột biến, lại đảm đương số học sinh đúng tuyến của hơn hai phường, nên trường đã phải lấy phòng chứa đồ dùng dạy học để làm lớp học. Hiện nay, trường có 8 lớp 1, sỹ số là 55 học sinh/lớp.

"Chúng tôi tận dụng tối đa những phòng còn thừa của nhà trường để làm lớp học. Trang bị ở những phòng này đầy đủ như một lớp học để các em bớt thiệt thòi so với những lứa học sinh khác" - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh Nguyễn Thanh Thủy khẳng định.

Hệ lụy còn dài

Một số trường tiểu học công lập khác của Hà Nội cũng đang phải đối mặt với tình trạng quá tải đầu cấp năm học 2009-2010 như: Kim Liên, Nam Thành Công (quận Đống Đa); Lê Ngọc Hân, Lê Văn Tám (quận Hai Bà Trưng); Kim Đồng (quận Ba Đình); Quang Trung, Thăng Long (quận Hoàn Kiếm)...

Học sinh trái tuyến của các trường này thường chiếm khoảng 30 - 50% chỉ tiêu. Chính vì thế, sĩ số mỗi lớp của những trường này đều vượt trên 50 học sinh (trong khi quy định là 40 học sinh/lớp).

Hiện nay, các trường tiểu học đang loay hoay tìm cách giải quyết và mong được sự đồng thuận từ phía phụ huynh học sinh. Qua tìm hiểu, vào những năm đẹp, nhiều trường đã phải điều tra số lượng trẻ sinh để có thể lường trước. Tuy nhiên, giải pháp của nhiều trường cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Theo lãnh đạo nhiều trường, với quỹ đất giữ nguyên, các trường không chỉ đối mặt với tình trạng quá tải trong những năm trẻ có tuổi đẹp như quan niệm nhân gian. "Với tình hình dân số tăng như hiện nay, không kìm hãm tỷ lệ sinh thì hệ lụy còn dài dài chứ không chỉ riêng với bậc tiểu học" - bà Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cát Linh lo ngại./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục