Tình người ở Nhân Ái

covermega1-1576047014-59.jpg

Cách Thành phố Hồ Chí Minh hơn 200km, ở chốn rừng núi, Bệnh viện Nhân Ái là nơi điều trị và sinh sống của hàng trăm bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS giai đoạn cuối. Với nhiều bệnh nhân, nơi đây đã trở thành ngôi nhà của mình. Ở đây, họ cảm nhận rõ giá trị của cuộc sống, nỗ lực vượt qua nỗi đau thể xác để thấy cuộc sống có ích hơn.

Đầu tháng 12/2019, men theo những con đường nhỏ giữa rừng cao su bạt ngàn của tỉnh Bình Phước, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Nhân Ái trong cái nắng đổ lửa. Nằm chênh vênh trên sườn đồi giữa bạt ngàn cao su, cây cối, Bệnh viện Nhân Ái như một thế giới biệt lập với bên ngoài bởi nơi đây điều trị cho đối tượng bệnh nhân rất đặc biệt – bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.

“Khu nghỉ dưỡng” của bệnh nhân nhiễm AIDS

“Chào mừng các bạn đến với resort Nhân Ái – khu nghỉ dưỡng tuyệt vời dành cho những bệnh nhân HIV,” lời giới thiệu bông đùa, dí dỏm của bác sỹ Nguyễn Đức Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái đã phần nào xua cảm giác u ám trước khi chúng tôi đặt chân đến đây.

Với diện tích 170ha, Bệnh viện Nhân Ái nằm trên một ngọn đồi trải dài hơn 1,5km thuộc địa bàn xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Dưới chân đồi là hồ nước thơ mộng, thỉnh thoảng mang tới làn gió mát xua tan đi cái nóng bức của vùng đất Đông Nam Bộ những ngày cuối năm. Thật ngạc nhiên khi đây lại là nơi điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.

Bệnh viện Nhân Ái đang điều trị, chăm sóc toàn diện cho gần 500 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối

Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là hình ảnh khuôn viên xanh mát của bệnh viện, hàng trăm bệnh nhân tham gia sinh hoạt tập thể hết sức náo nhiệt. Người khỏe mạnh sẽ phụ nhân viên bệnh viện nhổ cỏ, chăm sóc cây kiểng, người yếu hơn tản bộ thư thái.

Dưới những căn chòi lá, một nhóm bệnh nhân ngồi ôm đàn hát vu vơ. Khung cảnh thanh bình yên ả lạ thường, có lẽ nếu không có những bộ đồng phục, ít ai nghĩ rằng đây lại là bệnh viện cũng những con người mang trong người “án tử.”

Giờ sinh hoạt văn nghệ của các bệnh nhân Bệnh viện Nhân Ái. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Giờ sinh hoạt văn nghệ của các bệnh nhân Bệnh viện Nhân Ái. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Được thành lập từ năm 2006, Bệnh viện Nhân Ái là bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối của Thành phồ Hồ Chí Minh đảm nhận nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là chăm sóc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, cung cấp dịch vụ y tế, điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng virus HIV và các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác. Nơi đây đã từng chăm sóc, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối trước khi họ trở về với cát bụi.

Theo bác sỹ Nguyễn Đức Long, Bệnh viện Nhân Ái hiện có 18 phòng/khoa, trong đó 7 khoa trực tiếp chăm sóc và điều trị bệnh nhân với quy mô 350 giường bệnh. Nơi đây đang điều trị, chăm sóc toàn diện cho gần 500 bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối.

“Nói chăm sóc toàn diện bởi bệnh nhân ở đây rất đặc thù, đều không có người thân, tất cả phó mặc cho nhân viên y tế từ tắm rửa, thay quần áo, ăn cơm, ăn cháo… đến những chuyện tâm tình buồn vui trong cuộc sống họ đều tìm đến nhân viên y tế. Lâu dần, họ coi nơi đây là nhà, mái nhà cuối cùng của cuộc đời họ,” bác sỹ Long chia sẻ.

Khi bệnh viện là nhà, bác sỹ là người thân

“Đợt này Thảo tăng được 2kg, ăn ngon hơn, ngủ cũng ngon hơn, cô Tâm thấy Thảo giỏi không? – Dạ, chị giỏi quá, phải ăn nhiều mới khỏe nha chị. Cuối tuần này, Thảo đi mua quần áo mới, cô Tâm đi với Thảo không? – Đi chứ, Tâm đi lựa đồ giúp chị Thảo nhen.” Những lời tâm tình, thủ thỉ vô tình nghe được khi đi ngang qua một căn chòi nghỉ chân trong khuôn viên Khoa Nội 3 khiến chúng tôi ngạc nhiên. Vừa ngồi tết tóc cho bệnh nhân Lâm Thị Thu Thảo (50 tuổi), điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm vừa trò chuyện tâm tình như hai người bạn.

Cảnh tượng này có lẽ “hiếm có khó tìm” ở bất cứ cơ sở y tế nào nhưng lại trở nên quen thuộc tại Bệnh viện Nhân Ái. Dù chuyên điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV nhưng ở đây dường như không tồn tại khoảng cách giữa người bệnh và nhân viên y tế mà nhường chỗ cho tình bạn, tình thân.

“Vui nhất là có gần 300 nhân viên y tế nhưng đi đến đâu bệnh nhân cũng đều nhớ rõ tên từng người. Mỗi lần thấy mình đi ngang qua, bệnh nhân lại hỏi: Cô Tâm ăn cơm chưa? Cô Tâm hôm nay trông vui thế? Chỉ thế thôi mà mình cảm thấy rất vui và ấm áp,” điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm chia sẻ.  

Bác sỹ Bệnh viện Nhân ái thăm khám bệnh nhân AIDS. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Bác sỹ Bệnh viện Nhân ái thăm khám bệnh nhân AIDS. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ở ngoài khuôn viên là vậy còn trong phòng bệnh, một điều dưỡng đang thay tã, làm vệ sinh cho bệnh nhân Tạ Trung Ngọc phải nằm một chỗ vì quá yếu. Rơm rớm nước mắt xúc động, anh Tạ Trung Ngọc kể anh được chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái khi đã bước vào giai đoạn nặng, phải nằm một chỗ, vì thế mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ tới điều dưỡng.

“Tôi có gia đình của mình nhưng chưa từng được chăm sóc, làm vệ sinh chu đáo như vậy. Tôi bị bệnh là họ bỏ tôi luôn, vì thế ơn này của các cô tôi mang đến suốt đời,” anh Ngọc chia sẻ.

“Gia đình Nhân Ái” là cái tên trìu mến mà bệnh nhân đặt cho bệnh viện này. Bởi lẽ ở đây, họ được các nhân viên y tế chăm sóc đặc biệt từ miếng ăn đến giấc ngủ, chu đáo hơn cả với những người ruột thịt. Nơi đây vẫn luôn dang rộng vòng tay chào đón những con người bị xã hội, người thân chối bỏ, kỳ thị. Ở đây, họ gặp những người bạn đồng cảnh ngộ, lâu dần trở thành người thân, cùng dìu nhau vượt qua bóng đêm tăm tối. Đây là nhà, là nơi sưởi ấm tâm hồn đầy mặc cảm, chốn bình yên nhất trong cuộc đời của những con người từng một thời lầm lỡ.  

Dù hằng ngày phải đối diện với những cái chết được báo trước nhưng Tết đến, ở Nhân Ái vẫn đủ đầy

Ở đây, ngày Tết trở thành ngày sum họp đặc biệt của đại gia đình Nhân Ái. Dù hằng ngày phải đối diện với những cái chết được báo trước nhưng Tết đến, ở Nhân Ái vẫn đủ đầy với việc gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, chưng cây đào, cây mai và cùng quây quần bên nhau đón đợi thời khắc Năm mới đến.

Bác sỹ Nguyễn Đức Long chia sẻ: “Tết năm nào bệnh viện cũng tổ chức chương trình đón Xuân cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Chúng tôi ở bên họ trong khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, dành cho họ những lời chúc đầu năm chân thành nhất bởi họ cũng như bao người bình thường khác, Tết là thời khắc thiêng liêng và Tết nghĩa là vẫn còn hy vọng.”

Bác sỹ Lê Thanh Lâm, Khoa Nội 3 thăm khám cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)
Bác sỹ Lê Thanh Lâm, Khoa Nội 3 thăm khám cho bệnh nhân HIV/AIDS. (Ảnh: Xuân Khu-TTXVN)

Hồi sinh khát vọng sống

Ở Bệnh viện Nhân Ái, có những người tưởng chừng như đã về với cát bụi nhưng lại hồi sinh một cách kỳ lạ. Có những cánh cửa cuộc đời tưởng như đã bị đóng sập lại từ từ được mở ra như một phép màu. Những người tạo nên phép màu ấy không ai khác chính là các y, bác sỹ vẫn ngày đêm bám trụ ở Nhân Ái.

Ít ai biết có bác sỹ đã gắn bó với nơi đây kể từ khi bệnh viện được thành lập bởi họ đã trót nặng lòng với những mảnh đời đang ngấp nghé ngưỡng cửa “tử thần.”

“Mẹ hiền” ở Nhân Ái

Hơn 12 năm gắn bó với Bệnh viện Nhân Ái, bác sỹ Lê Thanh Lâm đã chứng kiến biết bao bệnh nhân đến với mình rồi ra đi và đó trở thành nỗi ám ảnh của anh: “Nỗi đau lớn nhất của một bác sỹ là thấy bệnh nhân ra đi mà mình không thể làm gì được.” Tuy vậy, cũng như nhiều bác sỹ tại đây, anh không nỡ “dứt áo ra đi” vì trót nặng lòng với những con người đang ở bờ vực của sự sống và cái chết.

“Lực lượng bác sỹ ở đây vốn đã mỏng, nếu mình đi, anh em lại phải gồng gánh thêm, lấy ai chăm sóc cho bệnh nhân, thế là quyết định ở lại dù cũng rất nhiều lần đắn đo,” bác sỹ Lâm cho hay.

Bắt đầu làm việc tại nơi chăm sóc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS vào năm 2008, từ đó chưa có cái Tết nào điều dưỡng Bùi Văn Tiến được về quê với gia đình

Tương tự, bắt đầu làm việc tại nơi chăm sóc và điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS vào năm 2008, từ đó chưa có cái Tết nào điều dưỡng Bùi Văn Tiến được về quê với gia đình. Thiệt thòi như vậy nhưng anh chưa một lần có ý định chuyển công tác. May mắn, vợ anh cũng là một điều dưỡng công tác trong bệnh viện nên rất thông cảm với trách nhiệm của chồng.

“Không chỉ bệnh nhân bị kỳ thị mà ngay cả chúng tôi cũng bị nhiều người dân kỳ thị vì họ lo sợ chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân và bị phơi nhiễm, mang mầm bệnh lây lan ra bên ngoài,” điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm chia sẻ sau 14 năm công tác tại Bệnh viện Nhân Ái.

Tự nhận mình may mắn khi chưa phải điều trị chống phơi nhiễm lần nào nhưng điều dưỡng Hoàng Thị Thanh Tâm đã chứng kiến nhiều đồng nghiệp của mình phải uống thuốc ARV.

Tình thân như người nhà giữa Điều dưỡng viên Hoàng Thị Thanh Tâm và bệnh nhân Lâm Thị Thu Thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Tình thân như người nhà giữa Điều dưỡng viên Hoàng Thị Thanh Tâm và bệnh nhân Lâm Thị Thu Thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Theo lời chị Tâm, chuyện nhân viên y tế nơi đây bị phơi nhiễm vì tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch của bệnh nhân hay bị bệnh nhân cào cấu… xảy ra như cơm bữa. Mới đây nhất, hai nam điều dưỡng là Nguyễn Duy Khang ở Khoa Nội 1 và Bùi Văn Phi Khoa Nội 3 bị phơi nhiễm HIV sau nỗ lực ngăn cản bệnh nhân tự tử. “Trong những lúc cấp bách, chúng mình không có suy nghĩ gì khác mà chỉ cố gắng ngăn không cho bệnh nhân tự tìm đến cái chết, không ngờ bị bệnh nhân lao vào chống đối,” anh Khang cho hay.

Dù điều kiện làm việc khó khăn, thiếu thốn, cách biệt với thế giới bên ngoài và tiềm ẩn nguy cơ phơi nhiễm căn bệnh thế kỷ nhưng theo Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân Ái Nguyễn Đức Long, những năm qua, rất ít nhân viên y tế xin chuyển công tác.

Ấn tượng hơn cả, theo lời của bác sỹ Nguyễn Đức Long, trong số 290 nhân viên y tế đang làm việc ở Bệnh viện Nhân Ái có đến gần 150 người kết đôi thành vợ chồng. Môi trường làm việc biệt lập, sự thấu hiểu và đồng cảm lẫn nhau chính là “ông tơ bà nguyệt” se những mối duyên lành ở Nhân Ái.

“Chúng tôi xây dựng một khu nhà công vụ cho các nhân viên khi họ kết hôn, mở nhà giữ trẻ dành riêng cho con em họ để họ yên tâm công tác, chuyên tâm phục vụ bệnh nhân,” bác sỹ Nguyễn Đức Long chia sẻ.

Gieo mầm hy vọng sống

Được chuyển đến Bệnh viện Nhân Ái khi đã bị liệt hoàn toàn từ ngực trở xuống, trong 8 năm qua, mọi sinh hoạt của bệnh nhân Nguyễn Hoàng Phi Công (sinh năm 1983) phải dựa hoàn vào lực lượng điều dưỡng và các xơ của bệnh viện.

“Khi bệnh nhân được chuyển đến đây, toàn bộ phần mông đã bị lở loét, hoại tử, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nhưng chúng tôi không được phép bỏ bê bệnh nhân bởi lương tâm không cho phép,” chị Nguyễn Thị Đức Giang, điều dưỡng Khoa Nội 2 nhớ lại. Nhờ thế, sức khỏe của anh Công ngày càng được cải thiện và giờ đây có thể ôm đàn, sáng tác nên những ca khúc vui tươi. Cuộc sống nơi buồng bệnh nhờ vậy cũng bớt tẻ nhạt và có màu sắc hơn.

Sự chăm sóc của các y, bác sỹ đã mang lại niềm lạc quan và hy vọng cho người bệnh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)
Sự chăm sóc của các y, bác sỹ đã mang lại niềm lạc quan và hy vọng cho người bệnh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trường hợp khác được y bác sỹ Bệnh viện Nhân Ái đưa về từ “cửa tử,” là anh Nguyễn Văn Trung, một trong những bệnh nhân kỳ cựu, có mặt từ khi bệnh viện mới thành lập đến nay.

Bác sỹ Lê Thanh Lâm nhớ lại, thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân Trung trong tình trạng suy kiệt nghiêm trọng, hệ miễn dịch hầu như bị phá vỡ hoàn toàn. Toàn thân bệnh nhân bị lở loét, chảy máu không ngừng. Ngày đó, anh cùng các y bác sỹ đã dốc toàn lực để cứu bệnh nhân. Nhờ sự chăm sóc tận tình, cơ địa đáp ứng thuốc tốt, bệnh nhân hồi phục dần và trở nên khỏe mạnh như một kỳ tích.

“Trong nỗi đau tột cùng khi đứng giữa sự sống và cái chết, trong những cơn vật vã, tôi chỉ nhìn thấy những chiếc bóng áo trắng thấp thoáng. Họ đã ở bên tôi và kéo tôi từ cõi chết trở về,” anh Nguyễn Văn Trung xúc động nhớ về thời khắc ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần.

Sau này, dù nhiều lần đủ điều kiện được về với cộng đồng nhưng anh Trung vẫn nhất quyết xin ở lại, tham gia vào đội tắm rửa, phụ các bác sỹ, nhân viên của bệnh viện khâm liệm, tổ chức tang lễ cho bệnh nhân khác khi họ trở về với cát bụi như một cách trả nghĩa với đời, với bệnh viện.

Cũng như anh Trung, nhiều bệnh nhân đã đến Nhân Ái trong tình trạng kiệt quệ nhưng rồi lại khỏe mạnh, trở về với gia đình, cộng đồng như một phép màu.

Nhiều bệnh nhân đã đến Nhân Ái trong tình trạng kiệt quệ nhưng rồi lại khỏe mạnh, trở về với gia đình, cộng đồng như một phép màu

Bác sỹ Nguyễn Đức Long chia sẻ: “Hàng trăm bệnh nhân đến với chúng tôi rồi ra đi mãi mãi nhưng cũng có hàng trăm con người trở với đời thường. Thật hạnh phúc khi hồi sinh được những “ngọn đèn leo lét trước gió.” Hơn hết là niềm tin vào cuộc đời cũng theo đó “đâm chồi nảy lộc.”

“Trong lúc cùng cực nhất của cuộc đời, tưởng như thần chết đã đưa tôi đến với thế giới bên kia nhưng các bác sỹ đã níu tôi lại, trao cho tôi hy vọng sống mới. Đời có thể chối bỏ chúng tôi, gia đình có thể chối bỏ chúng tôi nhưng những ánh Mặt Trời Nhân Ái đã sưởi ấm trái tim chúng tôi. Cảm ơn vì đã sinh ra chúng tôi một lần nữa.” Đây là một đoạn trong bức tâm thư xúc động mà một bệnh nhân gửi lại trước khi chia tay bệnh viện trở về với cộng đồng. Kỳ diệu thay, ở chốn “thâm sơn cùng cốc,” cách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài lại có những hạt mầm hy vọng được gieo nên bởi trái tim Nhân Ái.

Tình người vì thế vẫn mãi đong đầy nơi đây như chính cái tên và sứ mệnh được gửi trao: Bệnh viện của tình người./.