Bí ẩn kỳ thú về "Lão phù thủy có bàn tay ma quái"

Lão bảo, trong họa có may, nhờ trải qua trầm luân bể khổ mà học được chữ Nhẫn, qua chữ Tâm, để đến được chữ Nhân với nghề...“phù thủy.”
Là người đầu tiên đưa ảo thuật ra đất Bắc, sau giải phóng năm 1979 và trụ vững trên sân khấu đến nay đã hơn 40 năm, ảo thuật gia Bảo Linh được giới trong nghề trìu mến gọi bằng biệt danh “lão phù thủy có bàn tay ma quái.”

Cũng đành phải gọi là “lão” vì trong đời sống thực, Bảo Linh đã chạm ngưỡng lục tuần, và là ông của đàn cháu nhỏ. Giọng xứ Quảng hiền khô dễ nghe, dễ mến, lần đầu tiên lão kể những năm trường một mình một ngựa, lên voi xuống chó với nghề.

Lão bảo, trong họa có may, nhờ vậy mà học được chữ Nhẫn, qua được chữ Tâm, để đến được chữ Nhân với nghề “phù thủy”.

Một mình, một ngựa ra Bắc

Năm 1979, đất nước giải phóng mới được 4 năm, với đồng bào miền Bắc bộ môn ảo thuật vẫn còn lạ lẫm lắm, từ biệt quê nhà Đà Nẵng chàng thanh niên 26 tuổi Bảo Linh đặt chân đến Hà Nội. Toàn bộ vốn liếng là bộ bài và thùng đạo cụ cắt đầu cô gái đặt trên đĩa gây chấn động khán giả đất Bắc thuở ấy…

“Bà con cứ cho mình có phép, là người trời. Anh Ngô Yên, Giám đốc Rạp xiếc Trung ương thời đó vẫn trêu rằng "đã có nhiều nghệ sỹ nước ngoài biểu diễn nhưng chưa có tiết mục nào mất trật tự như của Bảo Linh.”

"Tôi nhớ trong các đêm diễn, khi đến màn đặt đầu cô gái lên đĩa, phía dưới toàn bộ khán giả nhảy bổ lên sân khấu sờ đầu thật hay đầu giả. Trước tình thế đó, buộc phải đóng màn vì sợ khán giả làm hỏng đạo cụ. Ảo là hư, thuật là nghệ thuật, làm giả như thật, chứ sao mình cắt đầu được…," lão cười khà khà.

Thời gian như bóng câu, đã hơn 40 năm đứng trên sân khấu ảo thuật và một trong hai người trong giới ảo thuật miền Bắc là hội viên Hội Ảo thuật IBM Mỹ, ảo thuật gia Bảo Linh nhớ lại thời niên thiếu băt đầu “bén duyên” với ảo thuật.

Ông cụ thân sinh của Bảo Linh làm nghề nhà báo nên cuộc sống gia đình cũng thuộc hàng khá giả. "Thời Ngụy, nhà nào có chiếc tivi đen trắng thì oách lắm. Hàng tuần tivi chiếu chương trình ảo thuật của ảo thuật gia Bảo Thu, đó là thế giới màu nhiệm với thằng bé mới học lớp 6 như tôi… Riết tôi mê bao giờ không hay."

Nhưng khổ nỗi, ảo thuật thời đó là môn bí truyền của sân khấu. Bởi muốn học cũng chẳng có thầy để dạy. Trót mê thì chỉ còn cách tự mày mò, tự chế đạo cụ. Ban đầu, ảo thuật gia Bảo Linh chỉ diễn chơi ở nhà, với đám trẻ trong xóm, dần dần diễn ở trường, câu lạc bộ đêm… Đến năm 25 tuổi, Bảo Linh mới có ý định ra Bắc để tìm cho mình chỗ đứng.

Hà Nội những năm 1979 tịnh không có một ai biết và diễn ảo thuật, thành thử Bảo Linh như "chột làm vua xứ mù" của ảo thuật miền Bắc. Và đó cũng là thời hoàng kim trong cuộc đời sự nghiệp của ông...

Những đoàn ca múa nhạc hoành tráng nhất bấy giờ như của Đài tiếng nói Việt NAM, đoàn ca múa nhạc Thăng Long đều “đặt gạch” mời Bảo Linh diễn. Chưa có điện thoại, cứ sáng ra, trong con ngõ xe đạp cứ dập dìu qua lại để tiền trạm.

"Ai đến trước thì mình nhận trước. Gần như ngày nào cũng lăn lóc trên đường. Hồi đó, kinh khủng nhất là năm sô một ngày. Để kịp lên sân khấu, mình chấp nhận ăn bánh mì uống nước cầm hơi."

Hồi tưởng lại những ngày tháng “lên voi” trong hào quang nghề nghiệp, ảo thuật gia Bảo Linh tâm sự: “nghệ sỹ tụi anh sống nhờ vào đam mê và danh hão thôi em. Ngu lắm! Đâu biết gì về cát xê đâu. Không cần biết tiết mục của đắt sô ra làm sao, người thường được trả 20 chục đồng, thì Bảo Linh chỉ lấy 22, thế là mình thành "sao" còn gì nữa…

Một thật nhưng ba "rỏm"

Thời bây giờ, đầy rẫy chuyện “đạo” văn, “đạo” nhạc, nhưng trong thời bao cấp “đạo” danh một ai đó là chuyện hiếm, kinh thiên động địa. Thế mới thấy ngạc nhiên và kỳ thú khi ảo thuật gia Bảo Linh kể về cuộc chạm trán tới ba ông Bảo Linh “rỏm”…

Cái nghề ảo thuật của tụi anh có nhiều kỷ niệm vui mà cay đắng lắm. Ai đời, Bảo Linh “rỏm” lại tìm đến nhà Bảo Linh thật để học nghề. Anh này thuộc đoàn nghệ thuật Thanh Hoá, bập bẹ được đôi ba trò nên đi đâu cũng rêu rao mình là ảo thuật gia Bảo Linh, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Lúc đó mình có nghe bạn bè trong giới đồn thổi chứ thực hư thì chưa có gặp. Có lần đi diễn ở Bắc Ninh, nghe khán xì xầm “ông Bảo Linh này diễn ra gì mà treo băng rôn rềnh rang thế.” Hỏi chuyện, hoá ra đêm qua Bảo Linh “rỏm” vừa diễn đây xong.

Tối đó, biểu diễn xong, tôi mới giới thiệu mình chính là Bảo Linh toàn bộ khán giả ngã ngửa… Hay một lần tôi cùng Trà My, Văn Hiệp lên Điện Biên biểu diễn cho bà con. Lên đến nơi thì hay tin có một Bảo Linh “rỏm” vừa diễn xong.

Ngày hôm sau cả tỉnh Điện Biên tưng bừng tiếng loa quảng cáo vui tai "ảo thuật gia Bảo Linh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Đây mới là Bảo Linh thật, người thật, việc thật. Tối nay các bạn đến xem sẽ biết ngay ai là thật ai rỏm..."

Cuộc đời lạ lắm, đùng một phát, tự ổng vác xác tới nhà tìm tôi để học và không hay biết mình chính là Bảo Linh đâu.

Nhìn qua, biết ngay trình độ chộp giật, “lòe” thiên hạ là chính mình hỏi xem đồng chí ấy có bao giờ gặp Bảo Linh không thì ổng nhanh nhẩu " em chính là Bảo Linh đây!" Trời đất, tôi phải chắp tay lạy ổng “tay nghề vậy mà giới thiệu ảo thuật gia Bảo Linh thì bằng giết mình rồi.

Từ cuộc chạm trán đó, tôi phải ra giá “anh đi diễn mà vẫn lấy nghệ danh Bảo Linh, tôi không cấm. Nhưng khi giới thiệu là ảo thuật gia Bảo Linh, phải thêm số 2 phía sau.”

Biết "nhẫn," có "tâm" để thành "Nhân"

Đời người nghệ sỹ được sống trong ánh hào quang danh vọng nhưng cũng không tránh được những lúc sa cơ lỡ bước. Cuộc đời làm nghề của ảo thuật gia Bảo Linh cũng vướng không ít trầm luân, lên voi xuống chó.

“Tôi đã kinh qua những bạc bẽo, cay đắng của nghề. Từ không có tháng nào dưới 20 sô, nhưng đến cả năm không có một buổi nào. Bần cùng phải nuốt nước mắt bán từng món đạo cụ để lo chuyện cơm áo cầm hơi...”

Năm 1989, tôi đi diễn gala đầu tiên các tỉnh miền Bắc. Khi đoàn xuống Quảng Ninh thì ở nhà ba tôi mất. Không có điện thoại báo tin, mình chỉ có linh cảm. Tối hôm đó tôi diễn ngượng tay, như xác không hồn. Khi đoàn về đến Hải Phòng, lòng như có lửa đốt, tôi xin phép về Hà Nội thăm nhà. Chưa vào tới ngõ, vợ chạy ra ôm khóc báo tin sét đánh "ba mất rồi." Lúc đó đã được 14 ngày, tiến thoái lưỡng nan...

Tôi quyết định quay lại đoàn và đợi 49 ngày về chịu tang ba. Trên đường đi, anh em nghệ sỹ có Trần Tiến an ủi “Bảo Linh này hoàn cảnh của em giờ như anh ngày xưa. Anh cũng đi diễn ở nhà bố mất. Thôi ráng đi em…”

Chuyến đi kết thúc, sau khi về chịu tang bố, tôi trở ra Bắc và không diễn nữa. Tự nhiên, lòng mình nguội lạnh, tay chân rã rời... Nghĩ lại, Bảo Linh tôi cũng không tưởng tượng mình đã sống qua những năm chìm nổi đó như thế nào. Với ảo thuật gia, đạo cụ là sinh mệnh là bí mật của nghề. Nhưng vì miếng mưu sinh, ông phải nhượng lại dàn cắt đầu trên đĩa một thời làm mưa làm gió sân khấu cho đoàn Thanh Hóa với giá rẻ mạt.

Và cho đến tận bây giờ, nỗi đau đớn và nuối tiếc vẫn còn ám ảnh ông khi nhớ lại lần phải bán nốt đạo cụ bóng nổ ra tú cho chính học trò mình truyền nghề không lấy một xu...

Tai chưa qua, nạn đã tới, cũng trong thời gian đó giới ảo thuật chứng kiến cuộc chiến không đội trời chung của đôi bạn tâm giao, được mệnh danh là “cặp phù thủy” lừng lẫy đất Bắc.

Một người là “lão phù thủy có bàn tay ma quái” và người kia đến bây giờ vẫn được mệnh danh là “nhà ảo thuật số một.” Cắt duyên nhưng còn nợ, đến bây giờ “cặp phù thủy” thề không chung bầu trời ảo thuật đó vẫn sống chung dưới một mái nhà vì một nỗi đều là chồng của hai chị em ruột.

Nhắc đến chuyện xưa, ảo thuật gia Bảo Linh cười buồn: “trong giới của tụi anh vẫn có những chuyện oái ăm như vậy. Nghệ sỹ mà, cái tôi của anh nào cũng lớn. Cuộc đời của ai người đó sống, nghề mạnh ai nấy làm. Câu trả lời là bầu sô và khán giả. Anh trên gác thì tôi ở tầng trệt, không thể vì hai kẻ sỹ mà ngăn sông cách trở thành chị em của vợ…

Thời gian chìm nổi mà ảo thuật gia bảo Linh bảo là vận hạn kéo dài đến mấy năm sau. Nhưng trong đầu chưa từng xuất hiện ý nghĩ bỏ nghề, bà xã đành phải ra đường buôn thúng bán mẹt nuôi cả nhà. Đùng một cái, có người tìm nhà để dạy nghề cho con. Cuộc tìm đến này tiếp cho tôi chút ô xi để thở, lửa nghề như đống tro tàn được nhen nhóm.

Dần dần, tôi quay ra làm đồ lại và tiếp cận với ảo thuật chim để nổi danh cho đến bây giờ. Tái ngộ làng ảo thuật miền Bắc, gặp lại bạn bè ảo thuật tôi mới biết trong giới lan truyền lời đồn sau biến cố gia đình, Bảo Linh đã giải nghệ về Nam…

Tái ngộ lại làng ảo thuật đất Bắc, sự nghiệp của ảo thuật gia Bảo Linh lại như diều gặp gió với nghệ thuật chơi chim và huấn luyện chim. Giờ ảo thuật chim tràn lan, ai cũng diễn chim, đâu đâu cũng bán. Nhưng anh em trong nghề vẫn tìm đến Bảo Linh dù giá thành “chát” hơn bên ngoài.

Là bậc thầy trong giới ảo thuật gia, Bảo Linh có bí quyết bí truyền về huấn luyện chim. Có những cặp chim chỉ 5, 7 trăm ngàn những có con chim lên tới  5, 7 triệu đồng. Vì khi lên sân khấu, không phải con chim nào khi tung ra cũng bay lại về với chủ và phối hợp được âm thanh và ánh sáng.

Theo ảo thuật gia Bảo Linh, để huấn luyện một con chim phải mất thời gian khá lâu. Dưới con mắt trong nghề, người nghệ sỹ mặc áo choàng dang hai tay nhưng hễ tung ra thì có hai con chim trên tay đó là ảo thuật. Ảo thật là môn khoa học có kỹ thuật, đồng thời có sự khéo léo trên mười đầu ngón tay, không phải khéo léo trên đạo cụ.

Đảm trách cương vị Phó chủ tịch Câu lạc bộ ảo thuật các tỉnh miền Bắc, cánh chim đầu đàn trong giới ảo thuật Bảo Linh chia sẻ những trăn trở về nghề: "Ảo thuật ngày nay, nói thế nào cũng đau lòng cho bộ môn này. Những đại gia bây giờ có nhiều đạo cụ trò lớn mạo hiểm như cưa, cắt người thì thành sao ảo thuật hết. Chưa bao giờ, ảo thuật gia lại nhiều như bây giờ. Đến cậu bé loắt choắt trên hè phố cũng tự nhận mình là ảo thuật gia. Giá trị ảo ảo thuật trên sân khấu chính là ở sự bí mật, ma thuật, kỳ bí. Đạo cụ  thể mua được nhưng phong cách biểu diễn, bản lĩnh sân khấu thì không phải ai cũng đạt được. Người nghệ sỹ ảo thuật khi lên sân khấu phải toát lên chất ma thuật trong bộ vest đen, từng cử chỉ thôi miên, thu phục được khán giả.

Cuộc đời làm nghề trên 40 năm, ảo thuật gia Bảo Linh chưa từ chối một sân khấu nào. “Tôi chỉ từ chối khi bầu sô cao su thời gian. Tiết mục ảo thuật có thể làm “kẹo kéo” để giữ chân khán giả nhưng tuyệt đối không được tùy tiện “cắt” vì lý do nào. Đó là tự trọng của nghề.

Lúc vinh mình chọn nghề. Lúc nhục nghề chọn mình. Khó khăn đến thế những Bảo Linh chưa một ngày biết làm nghề khác. Nhìn lại, cũng thấy trong họa có may vì thử thách cho mình học được chữ nhẫn. Từ chữ nhẫn, qua được chữ tâm rồi đến được chữ Nhân.

Muốn sống được với ảo thuật ngoài đam mê, người nghệ sỹ luôn nóng nỏng bầu nhiệt huyết. Trong sóng gió để giữ tâm mình bình thản và tin rằng khổ tận sẽ đến ngày cam lai./.

Bài 2: Giấc mơ “phù thủy” trên những góc phố, bờ hồ
Minh Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục